Sự kiện giáo dụcTin tức

Người lao động mong được đảm bảo an sinh xã hội khi về hưu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 9-5, Công đoàn Viên chức TP.HCM đã tổ chức chương trình đối thoại tháng 5 với chủ đề “Bảo hiểm xã hội với đơn vị sử dụng lao động và người lao động”. Chương trình tạo cơ hội cho cán bộ công đoàn, người lao động khu công nghệ cao TP.HCM chia sẻ, góp ý về dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung năm 2023.


Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến tại chương trình

Buổi đối thoại nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ của cán bộ công đoàn, người lao động đang làm việc ở các công ty trong khu công nghệ cao TP.HCM.

Bà Trương Thị Kiều Như (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Sankyo) chia sẻ, người lao động khi đi làm ai cũng muốn nhận được lương hưu để sau này không phải phụ thuộc vào con, cháu. Tuy nhiên, nhiều người lao động, nhất là lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước tuổi hưu chưa đến nhưng tuổi nghề đã hết. Chỉ sau 40 tuổi, họ đã bị doanh nghiệp sa thải dẫn đến mất việc làm. Lúc này họ chưa đủ tuổi nghỉ hưu nên không thể nhận được lương hưu theo quy định. Muốn nhận lương hưu, họ phải xin việc ở doanh nghiệp khác nhưng tỉ lệ tìm được việc ở tuổi này rất khó. Cho nên giữa nhận bảo hiểm xã hội 1 lần và lương hưu, người lao động vẫn chọn nhận bảo hiểm xã hội 1 lần vì họ chưa thấy lợi ích khi nhận lương hưu.

Để thuận lợi cho người lao động, ông Lưu Kim Hồng (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam) góp ý, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu là không hợp lý. Thực tế, các doanh nghiệp luôn tìm mọi cách cho lao động lớn tuổi nghỉ việc và thay bằng lao động trẻ. Mất việc trong khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu nên không ít lao động lớn tuổi xin đi làm thời vụ để chờ rút bảo hiểm xã hội 1 lần.


Chương trình đối thoại

Đại diện Công ty DaiKou ý kiến, căn cứ vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ có tương ứng số năm nhận lương hưu. Ví dụ đóng 30 năm thì lãnh được 15 năm, đóng 20 năm lãnh 10 năm… Con số lương hưu các bộ ngành liên quan cần tính toán sao cho phù hợp để vừa đảm bảo được tình trạng không rút bảo hiểm xã hội 1 lần vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Để sau khi người lao động về hưu, mức lương hưu phải đảm bảo mức sống cơ bản cho họ, ít nhất cũng bằng lương tối thiểu vùng.

Ông Trần Dũng Hà (Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM) cho biết, mục tiêu cơ bản của bảo hiểm xã hội là giải quyết chế độ hưu trí cho người lao động, để họ có thu nhập ổn định hàng tháng. Thành phố đã có văn bản tham gia góp ý Luật bảo hiểm xã hội gửi các đơn vị liên, cơ quan bảo hiểm xã hội TP.HCM sẽ tiếp tục đưa các kiến nghị của doanh khi tham gia góp ý luật.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung (Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM) cho rằng, để luật bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung năm 2023 phát huy hiệu quả, Công đoàn Viên chức TP.HCM và Bảo hiểm xã hội TP.HCM cần chú trọng công tác tuyên truyền, đi sâu vào lòng dân nhất là công nhân, người lao động. Bên cạnh đó thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, tọa đàm giúp công nhân, người lao động có cơ hội nêu bày tỏ, nêu ý kiến, từ đó có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp…

Hồ Trinh

Bình luận (0)