Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Rộ làn sóng kiện tụng, cáo buộc đạo nhạc

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, các vụ kiện bản quyền xuất hiện ngày càng “dày” trong ngành công nghiệp âm nhạc thế giới và Việt Nam.

Tuy không phải trường hợp nào cũng mang giá trị tích cực nhưng đó là tín hiệu tốt cho thấy người làm sáng tạo đã dành sự quan tâm lớn đến việc bảo vệ quyền lợi cá nhân. 

Ed Sheeran vừa được xử thắng trong vụ kiện đạo nhạc mới nhất - ẢNH: ABC NEWS

Ed Sheeran vừa được xử thắng trong vụ kiện đạo nhạc mới nhất. Ảnh: ABC News

Cách đây vài ngày, sau khi tòa phán quyết Ed Sheeran không đạo nhạc, nam ca sĩ – nhạc sĩ người Anh đã thốt lên: “Vì sao những tuyên bố đạo nhạc vô căn cứ lại được đưa ra tòa?”. Lời than phiền của Ed Sheeran xuất phát từ việc anh liên tục phải hầu tòa vì nhiều bản hit bị cho là đạo nhạc từ Thinking out loud, Shape of you cho đến Photograph.

Tính đến nay, Ed Sheeran toàn thắng trong các vụ kiện bản quyền. Nam ca sĩ không phải bồi thường hàng triệu USD như các “bị hại” yêu cầu nhưng sau lần hầu tòa nào, anh cũng cảm thấy nuối tiếc. Ed Sheeran tiếc thời gian, công sức, đôi khi cảm thấy tổn thương lẫn khó hiểu về cách mà mọi người liên tục cho rằng anh đạo nhạc.

Ed Sheeran nói các hợp âm anh sử dụng cho một số bài là giai điệu cơ bản, đã tồn tại hàng trăm năm qua kể từ khi nhạc pop hình thành, được nhạc sĩ trên khắp thế giới sử dụng hằng ngày, vì vậy đâu thể tố anh “đạo nhạc”, “sao chép”… Ed Sheeran lo ngại nếu các vụ kiện bản quyền vô cớ cứ liên tục xảy ra thì điều này “thực sự gây tổn hại cho ngành sáng tác”.

Theo CNN, ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đang đối mặt với làn sóng kiện tụng bản quyền chưa từng có. Từ những ca sĩ nổi tiếng như Ed Sheeran, Taylor Swift, Adele, Shakira… cho đến những nhóm nhạc trẻ của Hàn Quốc Billlie, Fifty Fifty… đều bị tố đạo nhạc.

Có nhiều vụ, người tố cáo giành phần thắng, được đền bù hoặc nhận được lời xin lỗi; nhưng không ít trường hợp, lời cáo buộc chỉ làm xôn xao dư luận, gây phiền toái đến người trong cuộc và rồi sau đó nhanh chóng lặng im vì vô căn cứ.

Tại Việt Nam, không ít lần các nghệ sĩ bị tố vi phạm bản quyền, “xài chùa” hoặc sao chép giai điệu, đạo ý tưởng thực hiện MV.

Sơn Tùng liên tục  vướng cáo buộc đạo nhạc trong thời gian qua  - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Sơn Tùng liên tục vướng cáo buộc đạo nhạc trong thời gian qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước đây, các vụ việc đa phần do khán giả phát hiện và chỉ dừng ở mức độ bàn tán trên mạng xã hội. Giờ thì nhờ internet và công nghệ, các nghệ sĩ quốc tế biết đến các trường hợp vi phạm bản quyền nhiều hơn, thậm chí họ không ngần ngại lên tiếng trên mạng xã hội.

Sơn Tùng M-TP là ca sĩ vướng nhiều cáo buộc đạo nhạc nhất làng nhạc Việt. Gần như, các sáng tác của anh đều bị người nghe “soi” và chỉ ra những đoạn giống với một vài ca khúc khác. Making my way – ca khúc mới nhất của Sơn Tùng cũng không tránh khỏi cáo buộc đạo nhạc nhưng như mọi lần, anh chọn cách im lặng.

Trong các vụ việc của Sơn Tùng, đáng kể nhất là lần chủ nhân bản hit We don’t talk anymore – DJ Heyder – chia sẻ đường link của MV Chúng ta không thuộc về nhau do Sơn Tùng thể hiện đi kèm dòng trạng thái đại ý: “Bản nhạc Việt Nam này khá giống với bản remix của tôi”. Tuy nhiên, không có vụ kiện bản quyền nào xảy ra sau đó.

Làn sóng kiện tụng bản quyền, nhìn ở góc độ của Ed Sheeran, có thể mang lại những phiền toái, mệt mỏi nhất định, bởi anh làm nghề nghiêm túc, tự trọng.

Nhưng ở những trường hợp khác, đưa vụ kiện ra tòa là cách làm thể hiện sự văn minh, cần thiết cho một thị trường âm nhạc “khỏe mạnh”, trong sạch. Nếu nhạc sĩ Việt có hành vi đạo nhạc, thiếu nghiêm túc khi làm nghề bị xử thua kiện thì đó sẽ là bài học cảnh tỉnh cho nhiều cá nhân có thói quen “xài chùa”, sao chép tùy tiện.

Ngược lại, một chiến thắng tại tòa sẽ như “lửa thử vàng”, càng khẳng định sức sáng tạo, thái độ làm việc của nghệ sĩ. Đó là cuộc chơi công bằng.

Theo Khânh An/PNO

 

Bình luận (0)