Thông tin này được ông ông Ngô Hồng Y – Trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Công thương TP nêu ra tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP, do UBND TP.HCM tổ chức chiều 3-8.
Tại họp báo, ông Ngô Hồng Y đã thông tin về sức mua của thị trường trong thời gian qua
Tại họp báo, đánh giá về sức mua của thị trường trong thời gian qua, cũng như dự báo tình hình sức mua trên thị trường trong thời gian tới, ông Ngô Hồng Y – Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương TP cho biết, trước tình hình kinh tế khó khăn và người dân có xu hướng tiêu dùng tiết kiệm, năm nay chương trình khuyến mại tập trung đợt 1 lần đầu tiên được kéo dài 3 tháng từ 15-6 đến 15-9 (các năm trước chỉ kéo dài 1 tháng từ 15-6 đến 15-7); theo đó, tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Đến hiện nay, chương trình đợt 1 đã diễn ra được nửa giai đoạn; đóng góp vào sự tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 năm 2023 đạt 102.314 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng 5 và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022; tháng 7 đạt 103.857 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng 6 và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Và thống kê sơ bộ cho tới nay, đã có hơn 3.100 doanh nghiệp với khoảng gần 8.000 chương trình khuyến mại hưởng ứng theo chương trình khuyến mại tập trung, số lượng doanh nghiệp tham gia tăng 7,9% và số lượng chương trình tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, có khoảng 30% số chương trình khuyến mại tập trung có hạn mức khuyến mại vượt 50%, nhất là các nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm; văn phòng phẩm.
Để tăng sức mua cho thị trường, Sở Công thương khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại theo nhóm, chuỗi để cùng liên kết, phối hợp chia sẻ chi phí, mang lại cho người tiêu dùng những lợi ích lớn hơn. Đồng thời, Sở cũng đã tăng cường tổ chức các buổi làm việc, các buổi họp để kết nối các doanh nghiệp và ghi nhận những ý kiến đóng góp, cập nhật những xu hướng, thông tin thị trường để lên kế hoạch tổ chức các sự kiện.
Sở Công thương khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại theo nhóm, chuỗi để tăng sức mua cho thị trường
Theo ông Ngô Hồng Y, hiện nay, Sở Công Thương đã lên kế hoạch và lấy ý kiến các doanh nghiêp về sự kiện ngày hội siêu khuyến mại hàng hiệu (dự kiến tổ chức từ ngày 8 đến 10-9, trong giai đoạn 2 của chương trình với quy mô khoảng 70 gian hàng của các thương hiệu lớn và nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia trưng bày, mức ưu đãi khuyến mại cao, giảm giá sâu.
Theo đó, Sở cũng đặt kỳ vọng vào sự kiện khuyến mại thực chất, thiết thực này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia và xây dựng thương hiệu cho sự kiện để tổ chức thường niên vào các năm sau, trở thành một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của TP, góp phần xây dựng TP trở thành trung tâm mua sắm hiện đại, hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Cũng tại họp báo, thông tin về tình hình giá gạo tiêu dùng trên địa bàn, ông Ngô Hồng Y cho biết, theo thông tin từ Sở Tài chính, từ đầu năm đến nay, giá gạo tiêu dùng trên địa bàn TP vẫn giữ mức ổn định, không có hiện tượng biến động mạnh; đặc biệt, giá mặt hàng gạo tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023 không có điều chỉnh tăng giá.
Giá bán lẻ mặt hàng gạo trung bình trong tháng 7-2023: gạo tẻ thường từ 15.900 đồng/kg đến 16.000 đồng/kg; gạo tẻ ngon từ 19.500 đồng/kg đến 20.900 đồng/kg; gạo nếp thường 22.600 đồng/kg; gạo nếp ngon 27.500 đồng/kg…
Từ nay đến cuối năm, TP luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối.
Theo đó, TP tiếp tục tập trung thực hiện đôn đốc doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ đúng tiến độ, kế hoạch (lượng hàng bình ổn thị trường mặt hàng gạo cung ứng ra thị trường tháng thường 3.311 tấn/tháng, tháng Tết Giáp Thìn 2024 là 4.525 tấn/tháng); đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ người dân. Đồng thời các kế hoạch triển khai, tổ chức bán hàng lưu động của doanh nghiệp luôn chủ động để ứng phó mọi tình huống biến động sốt giá cục bộ.
N.Trinh
Bình luận (0)