Chiều 3-8, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội TP.HCM đã tổ chức Hội nghị ký kết quy chế phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM và Bảo hiểm Xã hội TP.HCM về vấn đề lao động, việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2028.
Các đơn vị thực hiện ký kết quy chế phối hợp về vấn đề lao động, việc làm trên địa bàn TP.HCM
Ông Lê Văn Thinh (Giám đốc Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội TP.HCM) cho biết, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn TP.HCM trên 4,6 triệu người, trong đó lao động đang làm việc là khoảng 4,5 triệu người, lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm 46,6%.
Số doanh nghiệp đang hoạt động là 213.726 đơn vị trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước là 206, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 7.184, doanh nghiệp có vốn nhà nước là 270.
Doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 lao động chiếm 97,1%, số cơ sở kinh tế cá thể là 434.000 cơ sở với 853.094 lao động làm việc. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.461.000 người.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM ghi nhận có 91.968 trường hợp nghỉ việc tại doanh nghiệp và đề nghị giải quyết trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, lĩnh vực cắt giảm nhiều lao động thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ là 26.454 người; công nghiệp chế biến, chế tạo là 23.969 người. Ngoài ra còn các lĩnh vực như: Xây dựng; tài chính ngân hàng… TP cũng ghi nhận có 29 doanh nghiệp có số lượng giảm lao động trên 500 người, số lao động giảm là 38.462 người.
Theo ông Thinh, trong thời gian qua, để ổn định tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM, nhất là trước tác động của Covid-19, kinh tế suy giảm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động, nhiều giải pháp được TP.HCM triển khai đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, cải thiện vấn đề về chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người lao động, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp tốt hơn, giảm thiểu được số vụ vi phạm pháp luật lao động, góp phần đảm bảo quyền công nhân, người lao động.
“Thông qua quy chế phối hợp, chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp, giám sát, triển khai thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật việc làm, Luật an toàn vệ sinh lao động, Luật bảo hiểm xã hội… tạo sự đồng thuận trong công tác hoạt động chung. Qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Từ đó đảm bảo quyền lợi và cải thiện đời sống cho người lao động”, ông Thinh chia sẻ.
Cụ thể, các đơn vị sẽ ký kết thực hiện các nhiệm vụ như: Hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, công đoàn trong doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Bộ luật Lao động, Luật việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, các đơn vị sẽ phối hợp trong công tác chăm lo đời sống công đoàn viên, công nhân lao động.
Bà Trần Thị Diệu Thúy (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết), quy chế phối hợp không chỉ giúp các đơn vị xác định rõ hơn nhiệm vụ của mình mà còn tạo sự phối hợp chặt chẽ hơn, giúp người lao động được quan tâm nhiều hơn, tiếng nói của họ sẽ được tiếp thu.
“Chúng tôi mong muốn các cơ quan sẽ phối hợp với chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau để triển khai các nội dung trong quy chế. Ngoài ra, các đơn vị cũng nên có các cuộc họp nhằm phổ biến, quán triệt với quận, huyện, TP. Thủ Đức về việc phối hợp những nội dung trong quy chế, từ đó tránh việc đơn vị này làm tốt, đơn vị kia làm chưa tốt…”, bà Thúy chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)