Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên tiểu học có nhiều thuận lợi để thoát bỏ văn mẫu khi dạy văn cho học sinh. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi giáo viên phải mạnh dạn thoát ra “vùng an toàn”, biết chấp nhận những góc nhìn sáng tạo của học sinh…
Các hoạt động trải nghiệm ở trường học sẽ giúp học sinh tiểu học học văn tốt hơn. Ảnh: Đ.Yến
Lệ thuộc văn mẫu vì… ngại
Có dịp đến các trường tiểu học chia sẻ về việc dạy văn, tôi hỏi nhiều giáo viên đang dạy lớp 3 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rằng liệu các thầy cô đã buông được văn mẫu hay chưa? Câu trả lời tôi nhận được luôn là “chưa thể”, các thầy cô cho biết không có quá nhiều thời gian để đầu tư, nghiên cứu, đổi mới, nhất là khi sĩ số lớp luôn ở mức cao. Văn mẫu khi này giúp giáo viên nhẹ nhàng hơn.
Khi đến trường trò chuyện với học sinh, tôi thấy rằng các em ít thuộc các câu thơ, câu văn hay, bài thơ hay trong sách giáo khoa. Sâu xa hơn có thể hiểu là trong chính quá trình dạy, thầy cô đã chưa làm cho học sinh yêu thích được bài thơ, bài văn đó. Song, nếu thầy cô giúp học sinh yêu thích, việc thuộc các bài thơ, bài văn sẽ giúp các em mở rộng thêm vốn từ, từ đó giúp các em học văn tốt hơn.
Trên thực tế, dù Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tiểu học đã triển khai hết năm thứ 3 song thầy cô còn nặng nề việc dạy theo kịp chương trình, quên đi cái sâu trong bài văn. Trong chương mới có hẳn nội dung hoạt động trải nghiệm, thầy cô có thuận lợi hơn để thiết kế các hoạt động trải nghiệm gắn với môn học để học sinh được quan sát, miêu tả. Khi học sinh được quan sát, các em có thể viết rất hay mà giáo viên cũng phải bất ngờ bởi sự liên tưởng của các em rất phong phú.
Giáo viên phải mạnh dạn thoát ra “vùng an toàn”
Để buông được văn mẫu không phải là một sớm một chiều, cần thầy cô sự kiên nhẫn và… dám thay đổi, mạnh dạn thoát ra “vùng an toàn”. Theo đó, giáo viên phải đầu tư hơn về việc dạy đoạn văn cho học sinh. Muốn học sinh viết văn tốt, thầy cô phải hướng dẫn cho các em cách quan sát. Bên cạnh đó, thầy cô phải giúp cho học sinh đọc. Ngoài đọc văn bản trong sách giáo khoa, các văn bản khác cũng giúp học sinh rất nhiều trong việc mở rộng vốn từ, suy nghĩ, từ đó viết tốt hơn.
Khi dạy học sinh cách quan sát, thầy cô cần hướng dẫn các em cách quan sát theo trình tự để các em làm bài. Thực tế là hầu như thầy cô quên đi điều này, quên đi rằng trình tự quan sát rất quan trọng. Khi học sinh quan sát đúng sẽ có những đoạn văn theo góc nhìn của các em, vô cùng thú vị, ấn tượng. Thầy cô phải giúp học sinh sáng tạo một cách tối đa để các em thấy được sự quan sát, so sánh, vận dụng… Chương trình mới có cái hay là giúp học sinh bộc lộ tình cảm của mình trong câu văn. Nhưng bộc lộ tình cảm như thế nào, điều này thầy cô phải dạy các em. Câu văn miêu tả khác với văn kể như thế nào. Điều này cũng cần có quá trình.
Dạy văn là dạy người, phải dạy học sinh biết thương yêu. Khi dạy học sinh tả, kể về người hay vật cũng phải gợi lên cho các em tình cảm gửi gắm. Khi tả ba mẹ với tình yêu thương thì câu văn các em viết ra cũng gợi lên những tình cảm ấm áp. Khi dạy học sinh biết thương yêu rồi thì cách nói, cách suy nghĩ của các em cũng sẽ khác.
Giáo viên cần phải mạnh dạn thoát ra khỏi “vùng an toàn” khi dạy văn cho học sinh tiểu học. Ảnh: Đ.Yến
Đặc biệt, thầy cô cần phải mạnh dạn, tôn trọng cách quan sát của học sinh. Bản thân thầy cô cần đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu các em nhiều hơn, chấp nhận góc nhìn, góc quan sát của các em. Biết học sinh khó khăn ở đâu để gỡ khó cho các em, từ đó sẽ có những ý tưởng để hướng dẫn các em chứ không nên triệt tiêu những góc nhìn đó một cách thẳng thừng. Từng có trường hợp khi học sinh tả rằng “mái tóc của cô như dòng suối” nhưng lại không được giáo viên chấp nhận. Điều này là không nên. Để buông được văn mẫu giáo viên phải biết chấp nhận sự sáng tạo của học sinh. Khi học sinh tả rằng: Cây dừa nhìn từ xa giống như cây chổi hay đuôi con thỏ tròn như cái bánh bao – những ý này đều được chấp nhận vì đây là ý tưởng của học sinh, hình thành từ sự quan sát của học sinh… Thay vì áp đặt văn mẫu, áp đặt góc nhìn thì với việc dạy văn, thầy cô hãy trao cho học sinh công thức. Hướng dẫn cho học sinh ở đoạn đó các em cần làm gì; tả về mẹ thì cần đặt mình vào người con như thế nào để tả, từ chính những gợi mở đó sẽ giúp các em hình thành tư duy, góc quan sát, lắng nghe để viết dễ dàng hơn. Việc sử dụng văn mẫu hay chỉ dừng ở mức giúp học sinh tham khảo để các em mở rộng vốn từ, cách tiếp cận chứ không phải là dạy các em rập khuôn, bắt chước sẽ làm triệt tiêu sự sáng tạo của học sinh.
Để thoát được văn mẫu thì quan trọng nhất là thầy cô phải mạnh dạn vượt ra ngoài các khuôn mẫu, vượt qua những e dè, sợ sệt để học sinh được phát huy khả năng sáng tạo. Thầy cô phải thay đổi suy nghĩ, phương pháp dạy với môn tập làm văn. Trong quá trình dạy cần hướng học sinh khả năng quan sát theo trình tự, tư duy. Bên cạnh đó phải khuyến khích học sinh đọc, hình thành thói quen đọc sách, yêu đọc sách để giúp các em mở rộng vốn từ, suy nghĩ. Đặc biệt, thầy cô cần đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu các em nhiều hơn, chấp nhận góc nhìn quan sát của các em, uốn nắn những tư duy chưa phù hợp
Bên cạnh nỗ lực của thầy cô, để học sinh viết văn được thì còn cần đến vai trò của gia đình, giúp các em hình thành thói quen đọc, hình thành tư duy liên tưởng, tư duy logic, nắm bắt ý…
Nhà giáo Nguyễn Thị Nguyệt Thu
(nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM)
Bình luận (0)