Ăn sáng, đi sớm, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ trước khi vào phòng thi… là cách giúp học sinh tự tin hơn khi làm bài. Đó là lời khuyên của chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo dành cho các em học sinh sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại TP.HCM năm 2023.
Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo tư vấn tâm lý cho học sinh Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Q.6) trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần 8 năm học 2022-2023
Không ép bộ não hoạt động quá mức
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn tâm lý cho học sinh, chuyên gia Chế Dạ Thảo nhận định, sức khỏe là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại trong kỳ thi tuyển sinh. Do đó, dù có bận rộn cỡ nào thì các em học sinh cũng phải thực hiện một chế độ ăn uống khoa học. Tuyệt đối không được bỏ bữa sáng, điều đó rất nguy hiểm vì sau một đêm dài cơ thể bị bỏ đói, chỉ khi được nạp đầy đủ năng lượng thì đầu óc mới minh mẫn để tập trung ôn tập. Một lưu ý nữa là cận ngày thi, các em không nên ăn những thức ăn lạ khó tiêu hóa hoặc các loại thức ăn đã từng gây rắc rối cho bản thân trước đây. Ngoài ra, các em tránh ăn thức ăn đường phố đến mức thấp nhất vì rất có thể sẽ bị ngộ độc. Tóm lại, gần đến kỳ thi học sinh cần ăn uống cẩn thận, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh chế độ ăn phù hợp thì việc ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng. Bởi vì với áp lực bài vở, cộng với tâm lý lo lắng sẽ khiến nhiều học sinh nghĩ rằng “càng học nhiều thì càng tốt”; việc thức đêm triền miên, thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ dẫn đến tình trạng não luôn bị kích thích làm việc liên tục, không hiệu quả.
Theo chuyên gia Chế Dạ Thảo, khi gặp vấn đề này, tốt nhất các em nên rời bàn học, chợp mắt khoảng 30 phút rồi học tiếp hoặc đi ngủ luôn nếu đã khuya; không nên ép bộ não hoạt động quá mức, ngày hôm sau sẽ hoạt động không hiệu quả. “Các em nên tuân thủ theo nhịp sinh học, đó là ngủ thỏa mãn theo nhu cầu, ngủ càng sớm càng tốt, ngủ sớm sẽ thức dậy sớm. Nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormone tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập. Do vậy, các em đảm bảo phải ngủ đủ 6-8 tiếng/ngày”, chuyên gia Chế Dạ Thảo lưu ý.
Ngoài ra, việc dành thời gian để vận động cơ thể cũng rất hữu ích vì giúp máu lưu thông tốt, mang ôxy và dưỡng chất tới cho não nhiều hơn. “Bộ não của chúng ta chỉ có thể tập trung hoạt động liên tục trong 45 phút, sau đó cần được nghỉ ngơi. Do vậy, không phải cứ học liên tục là tốt mà nên nghỉ giải lao khoảng 10 phút. Thời gian nghỉ ngắn này có thể vận động bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi lại, đồng thời hít thở sâu để tăng lưu lượng máu lên não, giúp não thư giãn, nghỉ ngơi. Đồng thời, các em cũng có thể nghe nhạc giúp đầu óc thoải mái sau những giờ ôn tập căng thẳng, mệt mỏi”, chuyên gia Chế Dạ Thảo cho hay.
Hãy tự tin “mình sẽ làm bài được”
Theo chuyên gia Chế Dạ Thảo, căng thẳng trong thi cử còn đến từ yếu tố về nhận thức, suy nghĩ. Trong trường hợp chúng ta cho rằng “mình không đủ giỏi”, hay “kỳ thi này là dấu chấm hết”, hoặc “điểm cao mới cho thấy tôi có giá trị”… sẽ khiến người học bước vào phòng thi với những cảm xúc căng thẳng, chán nản, mất hy vọng. Điều đó khiến các em khó giữ được sự tập trung hay bình tĩnh cần thiết, và hệ quả là điểm bài thi có thể thấp hơn mong muốn. Thay vì suy nghĩ tiêu cực, các em hãy nghĩ thoáng và luôn sẵn sàng cho kỳ thi.
Các em học sinh lớp 9 trên địa bàn TP.HCM quyết tâm thi đậu vào lớp 10 THPT công lập năm 2023
Trong ngày đi thi, học sinh nên thức sớm kiểm tra lại giấy tờ, dụng cụ được mang vào phòng thi. Sau đó, các em ăn sáng và uống nước tinh khiết. Lưu ý, các em không nên ăn sáng quá ít hoặc quá no, chỉ ăn vừa đủ no. Trước khi vào phòng thi, các em nên đi vệ sinh cá nhân, chỉnh trang lại áo quần, kiểm tra lại giấy tờ, dụng cụ một lần nữa cho vững tâm lý. Cạnh đó, các em có thể bắt chuyện với bạn bè chung phòng thi để vừa giảm bớt lo lắng, căng thẳng vừa tạo sự thân quen, thoải mái trong quá trình làm bài. Khi nhận giấy thi, các em điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Khi giám thị phát đề thi, các em có thể hít thở sâu vài lần, uống vài ngụm nước, sau đó đọc thật kỹ đề. Đặc biệt, các em nhớ làm bài theo kiểu từ dễ đến khó, không dành quá nhiều thời gian cho một câu mà mình không biết sẽ gây ảnh hưởng đến cả bài thi. Khi làm bài thi xong, nếu còn thời gian các em nên kiểm tra lại, tránh bỏ sót câu hỏi. Dù biết hay không biết thì các em cố gắng đừng bỏ trống câu hỏi. Trường hợp bí quá không biết câu đó giải quyết thế nào thì các em có thể viết đại những gì mà mình nghĩ ra, vì biết đâu sẽ được điểm. Trong thi cử, 0,5 điểm rất quan trọng vì nó sẽ quyết định thắng – thua, đậu – rớt vào ngôi trường mình yêu thích.
Phụ huynh hãy quan tâm, đồng hành cùng con
Về phía phụ huynh, các bậc cha mẹ luôn muốn con mình thi đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh để đậu vào trường yêu thích, mong muốn học. Trước sự kỳ vọng từ cha mẹ đã vô tình tạo nên một áp lực rất lớn cho con. Vì vậy, cha mẹ chỉ nên là người động viên con, chăm sóc sức khỏe con bằng việc nấu những món ăn phù hợp khẩu vị, đủ chất dinh dưỡng để con có sức khỏe tốt. Có như vậy con sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào kỳ thi. Ngoài ra, cha mẹ phải thường xuyên trao đổi, tạo cơ hội cho con chia sẻ những khó khăn để có hướng giải quyết kịp thời. “Đây là kỳ thi của con, nếu phụ huynh có sự quan tâm, đồng hành cùng con thì con sẽ vững tin hơn. Từ đó chuẩn bị cho kỳ thi tốt hơn, đạt được kết quả cao hơn”, chuyên gia Chế Dạ Thảo cho biết.
Bài, ảnh: Thúy Kiều
Bình luận (0)