Những đứa trẻ con em đồng bào thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lần đầu tiên được chương trình thiện nguyện “Đi học trên núi” và các tình nguyện viên đón lên chuyến xe, băng qua những ngọn núi, vượt chặng đường dài hàng trăm cây số để đón mùa hè sôi động ở TP.Đà Nẵng. Chuyến đi ấy không chỉ là một kỳ nghỉ hè mà còn là hành trình “nhen” lên những ước mơ vượt núi, ước mơ về một tương lai tươi đẹp!
Những em nhỏ vùng cao tham quan Bảo tàng Quân khu 5, nghe những câu chuyện lịch sử
Kỳ nghỉ hè đặc biệt
Chuyến xe đề dòng chữ “Bạn nhỏ vùng cao xuống phố” chở theo 60 học sinh từ các vùng núi rừng Quảng Nam, Quảng Ngãi về TP.Đà Nẵng giữa những ngày hè rực nắng. Chuyến đi, các tình nguyện viên đã đưa các em đến tham quan nhiều địa điểm, từ Bảo tàng Quân khu 5, Nhà sàn Bác Hồ, công viên, siêu thị, tắm biển, xem pháo hoa bên bờ sông Hàn… “Chạm” bầu trời đêm Đà Nẵng với những ánh pháo hoa lung linh sắc màu, 60 bạn nhỏ thoáng giật mình bởi tiếng pháo đì đùng rồi kịp trấn tĩnh lại, đăm đăm nhìn lên bầu trời. “Đà Nẵng đẹp quá! Sau này con sẽ học thật tốt để mùa hè năm sau được về thăm thành phố lần nữa”, cậu bé Hồ Hoàng Anh, học sinh lớp 6, Trường TH Trà Vinh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nói.
Lần đầu tiên được đến thành phố, cậu bé Hồ Văn Khiêm sau khoảng thời gian rụt rè bởi khung cảnh lạ lẫm đã trở nên mạnh dạn. Khiêm nói: “Ở phố không có nhiều cây như quê của con, nhưng cái gì cũng đẹp, nhiều đèn điện và ăn món nào cũng ngon. Bình thường ở nhà con chỉ ăn cơm với muối ớt hoặc vài con cá nhỏ ba mẹ bắt dưới suối mà ăn cái bụng cũng không đủ no”. Khiêm sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế nghèo, ba mẹ lại không lanh lợi như nhiều người khác. Hôm đón Khiêm xuống phố tham quan, thầy giáo Hồ Văn Tình – giáo viên Trường TH Trà Phong phải vượt chặng đường 13km bằng xe máy, rồi đi bộ thêm hơn 1km đường rừng mới đến được nhà học trò. Từ nhà, thầy Tình chở Khiêm ra thị trấn, trung chuyển qua xe đò tới huyện bên cạnh để “hội quân”, rồi mới cùng các bạn xuống phố. Hôm thầy Tình đến, xin phép gia đình cho Khiêm tham gia chương trình này, cả nhà cứ “ngơ ngác” bảo: “nó đấy, thầy cứ đưa đi đi”. Vì chưa được đi xa lần nào nên cả ba mẹ và Khiêm đều không hình dung được là phải chuẩn bị những gì. Thầy lại phải đi lựa từng cái áo còn lành lặn, kiếm cái quần tươm tất nhất để chuẩn bị cho bạn ấy đi.
Cô giáo Trà Thị Thu – giáo viên dạy ở điểm trường Tắk Pổ (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My) – hỗ trợ học sinh về phố kể: “Được tham gia quan các em rất háo hức. Nhiều em bày tỏ cảm xúc rất ngây ngô mà rất thật, thương thắt ruột. Đứa thì bảo: “Cô ơi, con được ăn cả cái đùi gà này ạ, ở quê con, cả nhà mới được ăn chừng này thôi”; Đứa khác lại nói, cô ơi sao nước biển mặn thế, hay con mang một chai về cho các bạn ở quê nếm thử. Kết thúc chuyến đi, nhiều đứa lại hỏi, bao giờ được đi thêm lần nữa…”.
Nuôi dưỡng ước mơ bên kia triền núi
Hành trình “Bạn nhỏ vùng cao xuống phố” nằm trong chương trình “Đi học trên núi” do anh Nguyễn Bình Nam – Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau Đà Nẵng phát động từ đầu năm học 2022-2023. Có 250 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi được hỗ trợ để đến trường học. Lần đầu tiên về phố tham quan có 60 bạn học sinh trong số đó.
Cô giáo Đỗ Thị Bình – Hiệu trưởng Trường TH Trà Phong (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) chia sẻ: “Vì các em đều ở các thôn, bản xa xôi nên nhà trường đã cử 5 giáo viên đến tận từng gia đình để hỗ trợ đưa các em về điểm tập trung rồi đón các em về nhà khi kết thúc chuyến đi. Các em rất háo hức với chuyến tham quan. Bạn nào cũng hứa năm học tới sẽ cố gắng học tốt hơn để mùa hè năm sau xuống phố. Tôi mong những chuyến đi như thế này giúp hình thành trong các em ước mơ và từ đó nỗ lực học tập tốt hơn”.
“Chúng tôi chỉ hy vọng sẽ mang lại được một điều gì đó cho các em, biết đâu sẽ “ươm” được điều gì. Tâm tư của Hoàng Anh cũng như khát vọng đến trường của nhiều đứa trẻ mồ côi khác ở các bản làng vùng cao là động lực để chúng tôi nỗ lực thực hiện hành trình đưa các em về phố lần thứ 2 ngay trong mùa hè này”, anh Nguyễn Bình Nam – Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau Đà Nẵng bộc bạch.
|
Anh Bình Nam cho biết: “Sau hôm đưa các bạn nhỏ về lại bản làng sau chuyến đi, tôi nhận 3 cuộc gọi từ một số điện thoại, bật máy lên nhưng phía bên kia chỉ im lặng. Đến sáng hôm sau, thì một cậu bé lớp 6 rụt rè nói: “Con là Hoàng Anh đây chú Nam ơi! Sáng nay con đi rẫy, đi một mình 3 tiếng mới đến được rẫy. Trưa nay con ăn cơm ở rẫy… Con nhớ chú Nam!”. Tôi động viên Hoàng Anh cố gắng đừng bỏ học. Cậu bé bảo, tranh thủ nghỉ hè con đi làm rẫy, vào năm học con sẽ duy trì thành tích học tập thật tốt để không chỉ được về phố tham quan và sẽ đến đó học đại học. Dù quãng đường phía trước của cậu bé mồ côi ấy sẽ còn vô vàn khó khăn, ngăn trở nhưng khát vọng đến trường của cậu khiến tôi nhẹ lòng đôi chút”.
Tổ chức hành trình đưa trẻ vùng cao về phố với anh Nam không chỉ là một món quà mùa hè dành cho các em sau một năm nỗ lực học tập. Hơn thế, anh cùng cộng sự mong các em học sinh đồng bào thiểu số lần đầu được bước ra ngoài cánh cổng làng và sẽ nhìn thấy một “vùng trời” khác bên ngoài những dốc núi triền rừng thường thấy.
Phan Lệ
Bình luận (0)