Tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 do UBND TP.HCM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế TP đang từ đáy đi lên. Tuy nhiên, các tháng cuối năm vẫn còn không ít khó khăn, do đó cần có nhiều giải pháp bổ sung, nhất là hỗ trợ thị trường, tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển…
Ông Nguyễn Khắc Hoàng – Cục trưởng Cục Thống kê TP – phát biểu tại hội nghị
TP cần chắt chiu cơ hội
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến nhấn mạnh, bối cảnh quốc tế những tháng cuối năm 2023 vẫn diễn biến phức tạp cả về địa chính trị, kinh tế, tài chính, tiền tệ dẫn đến suy giảm về tiêu dùng, tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.
Ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM – cho rằng, 6 tháng cuối năm, TP.HCM đối đầu với cả nguy và cơ, trong đó nguy nhiều hơn cơ. Cụ thể, xuất khẩu tiếp tục giảm, nhu cầu tín dụng giảm, thị trường bất động sản chưa phục hồi, giải ngân đầu tư công ở một số dự án còn chậm, doanh nghiệp và người lao động vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Theo ông An, TP có 2 cơ hội lớn. Kinh tế quý 2 bắt đầu phục hồi, rõ nét nhất là dịch vụ, đặc biệt du lịch. Đầu tư công khởi sắc hơn nhiều so với quý 1. Tuy nhiên, do nguy vẫn nhiều hơn cơ nên khả năng TP khó đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đặt ra – từ 7,5-8%. Vì vậy, thời gian tới TP cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch; tiếp tục quyết liệt giải ngân đầu tư công; đẩy mạnh chi công. Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn thì các giải pháp cần tập trung phát triển là đẩy mạnh thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng, du lịch và thương mại. Để thúc đẩy xuất khẩu cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể cho từng ngành hàng và từng thị trường. Phục hồi niềm tin cho từng doanh nghiệp bằng cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, không chỉ nói chung chung mà làm bằng địa chỉ cụ thể.
Đánh giá, phân tích tình hình kinh tế xã hội TP dựa trên các kết quả đạt được, ông Nguyễn Khắc Hoàng – Cục trưởng Cục Thống kê TP – nhấn mạnh, kinh tế TP còn 2 thách thức lớn – đó là xuất khẩu giảm, thu ngân sách vẫn đang giảm ảnh hưởng đến 6 tháng cuối năm. Trong bối cảnh còn khó khăn, TP cần chắt chiu cơ hội…
“6 tháng đầu năm tăng trưởng 3,55%, như vậy để đạt mục tiêu đề ra thì 6 tháng cuối năm phải tăng trên 11%, đây là điều rất khó cho nên phải chắt chiu từng cơ hội về giải ngân đầu tư công, kiềm chế lạm phát, tăng sức mua nội địa. Đây là những động lực cơ bản để tăng trưởng cho nền kinh tế, hoàn thành kế hoạch ở mức cao nhất”, ông Hoàng nói.
TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia – nhận định, từ nay đến cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng TP đặt ra là rất khó. Với đà phục hồi hiện nay thì TP có thể tăng khoảng 8% trong những tháng cuối năm, dù là vậy thì vẫn chưa đủ sức kéo cả năm.
Theo TS. Lịch, kinh tế TP.HCM đã chạm đáy về tăng trưởng và từ đáy đang đi lên, tuy nhiên lên nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tăng trưởng kinh tế ngắn hạn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường, còn những tác động của chính quyền luôn luôn có độ trễ. Do đó, những giải pháp TP cần tập trung cuối năm là hướng đến mục tiêu tăng trưởng tốt hơn ở năm sau. Còn hiện tại vẫn phải dựa vào thị trường.
“Tiềm lực kinh tế TP rất lớn với hơn 250 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, 450 ngàn hộ kinh doanh sản xuất cá thể, chiếm đến 1/3 so với cả nước. Cái TP đang có là thị trường và doanh nghiệp. Thị trường vẫn là yếu tố quyết định cho nên cần có giải pháp hỗ trợ thị trường, tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển”, TS. Lịch góp ý.
Thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng
Chủ trì và phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh, tình hình kinh tế xã hội TP trong quý 2 cải thiện và 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. TP đã khởi công, khánh thành nhiều dự án quan trọng, đặc biệt là đường Vành đai 3. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đạt được những kết quả nhất định. Cùng với đó, TP phối hợp các bộ, ngành Trung ương tham mưu và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
“Những kết quả này vừa là nguồn động viên, vừa cho thấy được sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nói chung, trong đó có hệ thống chính quyền đã có sự đóng góp rất lớn”, Chủ tịch Mãi nói.
Theo báo cáo của UBND TP, trong 6 tháng đầu năm 2023, TP làm tốt mục tiêu ngăn chặn đà suy thoái, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) ước tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu tăng 4,92%; sản xuất công nghiệp từng bước ổn định; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,9%; 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 4,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 561 tỷ đồng, tăng 7,1%. Đối với ngành du lịch, tổng doanh thu ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022. Khách nội địa ước đạt 16.415.438 lượt, tăng 48%; khách quốc tế ước đạt 1.941.267 lượt, tăng 306%. |
Chủ tịch Mãi dự báo quý 3 và 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế TP sẽ có cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn. Tăng trưởng GRDP cả năm khó đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm. Với tình hình hiện nay, kịch bản đặt ra là tăng trưởng tiệm cận chỉ tiêu của năm mà TP đã đề ra. Vì vậy TP phải nỗ lực hơn, hiệp sức để vượt qua khó khăn, chuyển hóa quyết tâm thành hành động, tạo ra kết quả cụ thể trong những tháng cuối năm. Trong đó, các đơn vị tập trung nhiều biện pháp thúc đẩy trụ cột tăng trưởng để tạo ra kết quả, trước hết là đầu tư công, mua sắm công. Tập trung quyết liệt kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi, các biện pháp phát triển du lịch. Để thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng cần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, trực tiếp là các doanh nghiệp xuất khẩu về chi phí hàng tồn kho, chi phí củng cố thị trường. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tập trung triển khai có kết quả các chủ trương, chính sách của Trung ương đã ban hành từ đầu năm đến nay để mang lại kết quả cho doanh nghiệp, người dân. “Các sở ngành, quận, huyện, nhất là người đứng đầu phải hết sức tập trung, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả. Đừng để nghe nói thêm sở này, đồng chí kia, TP đang trì trệ nên việc tắc”, Chủ tịch Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, sở ngành, địa phương tập trung nghiên cứu tổ chức quán triệt NQ 98 cho cán bộ, công chức, viên chức với tinh thần “chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng” để triển khai, hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với việc triển khai thực hiện NQ 98, TP cũng tập trung triển khai đề án xây dựng nền công vụ ưu tú. Hệ thống chính quyền là người thực hiện NQ 98. Mọi sự chuẩn bị từ bộ máy, con người, các điều kiện thực hiện, nội dung trình các cơ quan chức năng đều phải hoàn thành cơ bản trong năm nay để bắt đầu thực hiện NQ…
Phú Cát
Bình luận (0)