Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, việc truyền thông điệp, truyền cảm hứng và kiến thức liên quan đến khởi nghiệp cho sinh viên là rất cần thiết; nhất là những kiến thức về sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc hay kỹ năng gọi vốn…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh (người mặc áo xanh) tham quan một số sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên
Ngày 8-7, Trường ĐH Công thương TP.HCM phối hợp Làng sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm” nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong giảng viên, sinh viên.
Trước khi dự tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết đã được tìm hiểu một số mô hình, ý tưởng khởi nghiệp mà các sinh viên đang thực hiện. Tuy nhiên, Thứ trưởng đặt vấn đề, những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp đó có được các doanh nghiệp tiếp vốn để thương mại hóa, đưa ra thị trường hay không?
Thứ trưởng cũng đề cập đến cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên được tổ chức hằng năm đã thu hút rất đông học sinh từ THCS đến sinh viên cả nước. “Mỗi năm, cuộc thi chọn được 80 dự án tranh tài chung kết. Vậy 80 dự án này với những ý tưởng hết sức trân trọng nhưng liệu các em đã biết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa, việc giữ những ý tưởng này ra sao, giáo viên hướng dẫn các em như thế nào?” – Thứ trưởng đặt câu hỏi.
Từ đây, Thứ trưởng nhấn mạnh việc cần thiết phải tập huấn, trang bị kiến thức liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Trong đó, ba nội dung quan trọng cần trang bị cho các em chính là quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc và kỹ năng gọi vốn. Thứ trưởng đánh giá cao các diễn giả đến từ các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp đã truyền tải những nội dung thực tiễn quý giá đó đến sinh giảng viên, sinh viên thông qua tọa đàm. Thứ trưởng cho rằng, việc truyền thông điệp, truyền cảm hứng, trang bị kiến thức cho sinh viên không thể thực hiện được ngay trong ngày một ngày hai, do đó những hoạt động như thế này cần được tổ chức nhiều hơn nữa.
Thứ trưởng đề nghị các thầy cô tiếp tục hun đúc khát vọng cho sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Và sinh viên cần mạnh dạn khởi nghiệp nhưng cũng cần trang bị, cập nhật đầy đủ kiến thức quan trọng, cần thiết. Đặc biệt, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn rằng, việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ được tăng cường trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cũng theo Thứ trưởng, Bộ GD-ĐT đã phát động rất mạnh mẽ phong trào đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập; nhận thức của lãnh đạo của các trường, cơ sở giáo dục cần đúng, đủ để tạo môi trường tốt nhất cho phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập lan tỏa.
Tại tọa đàm, ông Thái Doãn Thanh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM) chia sẻ, qua hơn 6 năm triển khai tổ chức hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường nhận thấy hoạt động này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mình. Hoạt động này cũng đã góp phần hình thành nơi người học ý thức đổi mới, tư duy, phong cách làm việc, thực hành hiệu quả, tinh thần khởi nghiệp. Đây đều là những phẩm chất cần thiết ở người lao động trong thời đại mới.
Ông Thanh nhận định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tuy vẫn còn mới mẻ ở các trường ĐH ở nước ta tuy nhiên đây là xu hướng phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thích ứng tốt với những sự thay đổi của các điều kiện bên ngoài. Hơn 6 năm qua, các bộ, ban ngành trong đó có Bộ GD-ĐT đã có những chủ trương chính sách phát triển các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đó tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên cũng như thế hệ trẻ phát huy năng lực sáng tạo, ý thức trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ dám làm, tự tin khởi nghiệp thể hiện khát vọng bản thân, đóng góp xây dựng cộng đồng. Thời gian tới, hoạt động này sẽ tiếp tục được nhà trường đầu tư, chú trọng để cùng với đó tăng cường chất lượng đào tạo, tạo môi trường để thực hiện khát vọng, hoài bão cho sinh viên.
Mê Tâm
Bình luận (0)