Đây là một trong những yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đối với các đơn vị liên quan nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023 và các năm tiếp theo.
Xuất khẩu gạo là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023
Xuất khẩu giảm hơn 12%
Báo cáo tóm tắt công tác 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng khẳng định, trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề vướng mắc trong nội tại nền kinh tế đã tích tụ qua thời gian, nhưng kết quả đạt được của ngành công thương là rất đáng ghi nhận, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Riêng về hoạt động xuất nhập khẩu, bà Thắng cho biết: “Trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục 12,25 tỷ USD (gấp gần 11 lần so với mức thặng dư 1,16 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Nhập khẩu hàng hóa cơ bản được kiểm soát tốt, kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là các nhóm hàng phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu chiếm 88,1%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 6,2%”.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, bà Thắng cũng thẳng thắn nhìn nhận kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ.
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 164,5 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về nguyên nhân khiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh, ông Trần Duy Đông – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương – cho rằng, từ quý III/2022, lạm phát tăng cao, thậm chí đạt đỉnh lịch sử nhiều năm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU… Giá cả hàng hóa tăng cao dưới ảnh hưởng của lạm phát trong khi thu nhập của người dân không được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, điều này tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bước sang năm 2023, mặc dù đã thực hiện các biện pháp ứng phó, tuy nhiên lạm phát vẫn ở mức cao và nền kinh tế của các quốc gia vẫn đứng trước nguy cơ suy giảm kinh tế. Tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu, nhiều ngân hàng lớn lâm vào bối cảnh khó khăn. Mặt khác, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch bệnh cũng bổ sung nguồn hàng lớn, tạo nên sức ép cạnh tranh mạnh mẽ cho hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.
“Có thể thấy các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đang đối mặt với khó khăn chồng khó khăn, trong đó việc không có đơn hàng dẫn tới phải cắt giảm công suất, thậm chí là dừng sản xuất”, ông Đông chia sẻ.
Cũng theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, hiện hoạt động xuất khẩu đã lấy lại được đà phục hồi và tăng trưởng. Thặng dư thương mại lớn (12,2 tỷ USD) đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hối, tạo dư địa lớn trong điều hành chính sách tiền tệ. Xuất khẩu hàng công nghiệp tuy giảm mạnh nhưng bù lại xuất khẩu hàng nông sản tăng trưởng khá tốt, đặc biệt là mặt hàng rau quả, gạo và hạt điều.
Phải lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu
Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, việc lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu không phải là chuyện dễ dàng nhưng cũng không thể đứng yên chịu chết.
Theo đó, ông Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Công thương cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng (như Israel, UEA, Mercosur…); tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại. Đồng thời, cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại, qua đó giúp cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp. Đặc biệt khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam làm thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Doanh thu thương mại điện tử đạt hơn 10 tỷ USD Theo báo cáo của Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2023, thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ), đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa suy giảm. Thương mại điện tử tiếp tục là phương thức phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Theo đó, doanh thu thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. |
Ông Đông cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thực hiện đồng loạt nhiều nhóm giải pháp chính. Đơn cử, Bộ Công thương và Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ trì triển khai đồng bộ các chương trình trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các mặt hàng chủ lực, trong đó có Chiến lược xuất khẩu mặt hàng gạo. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, trong đó tập trung vào việc xây dựng hình ảnh và công bố doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.
Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với các nước, nhất là Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Song song đó là nâng cao tốc độ thông quan xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Thùy Linh
Bình luận (0)