Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, thay vì phụ thuộc vào công nghệ thì có nhiều bạn trẻ biết tận dụng nó để phát triển bản thân, công việc. Thông qua những sáng kiến tự nghiên cứu, các bạn đã giúp công việc của mình và đồng nghiệp trở nên nhẹ nhàng, đạt hiệu quả cao.
Chị Phạm Ngọc Nhã Thi (giữa) được Liên đoàn Lao động TP.HCM tuyên dương “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo” năm 2023
Sáng kiến làm giảm 60-70% sự cố rò rỉ nước
Những năm qua, chị Phạm Ngọc Nhã Thi (sinh năm 1995, nhân viên phân tích thủy lực Công ty CP Cấp nước Thủ Đức, TP.HCM) không ngừng tự học và ứng dụng công nghệ vào công việc của mình. Chị Thi kể, công việc của chị rất bận rộn, hàng ngày phải làm rất nhiều hoạt động phân tích thủy lực bằng thủ công. Đã rất nhiều lần do công việc quá tải khiến chị không hoàn thành tiến độ đúng thời hạn, thậm chí bị cấp trên la rầy, khiển trách. Việc này khiến chị rất áp lực. Từ một người yêu công việc, chị dần cảm thấy sợ hãi mỗi khi đến công ty làm việc. May mắn chị được đồng nghiệp, bạn bè động viên, hỗ trợ, trấn an tinh thần. Nhờ đó chị dần dần bình tĩnh và nhận thấy rằng, ngày nay công nghệ phát triển mạnh mẽ, chỉ cần ứng dụng tốt là mọi thứ được giải quyết một cách nhanh chóng lại đạt hiệu quả cao. “Tôi tìm hiểu thấy rất nhiều người trẻ thành công từ việc biết ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc. Họ làm được, mình cũng như họ không lẽ mình không làm được. Suy nghĩ ấy cũng chính là lời mình tự động viên bản thân để cố gắng học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm làm việc…”, chị Thi chia sẻ.
Sự cố gắng của chị Thi cuối cùng cũng được đền đáp. Sau hơn một năm nghiên cứu, chị đã cho ra đời sáng kiến “Xây dựng mô hình thủy lực theo thời gian thực”. Qua công tác kiểm tra, thử nghiệm, lãnh đạo công ty đã đưa sáng kiến của chị vào áp dụng tại nơi làm việc, đặc biệt là ở bộ phận phân tích thủy lực. Nhờ vậy, muốn phân tích thủy lực, chị và đồng nghiệp chỉ cần nhập thông tin, số liệu vào là hệ thống sẽ cho ra kết quả, không cần phải mày mò tính toán bằng thủ công như trước. Điều đặc biệt ở sáng kiến này là giúp giảm 60-70% sự cố, giám sát và đánh giá khả năng rò rỉ nước chính xác, giúp nhân viên tìm được vị trí rò rỉ để xử lý kịp thời, tiết kiệm thời gian xử lý sự cố và tránh lãng phí nước. Nếu trước đây, công ty cần nhiều nhân sự để xử lý sự cố, những lúc quá tải thiếu nguồn lực khiến khách hàng phàn nàn vì sự cố của họ khắc phục chậm trễ gây ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, thì hiện tại tình trạng này đã không còn. Nhờ nguồn lực được phân bổ hợp lý giúp công ty giảm chi phí kinh doanh, đồng thời đảm bảo quá trình cung cấp nước an toàn, sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra, giảm tỷ lệ thất thu và cải thiện dịch vụ cho khách hàng.
“Công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng và ngày càng trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong quản lý mạng lưới cấp nước. Đây cũng là xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý ngành cấp nước nói chung và hạ tầng kỹ thuật nói riêng. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời nhiều sáng kiến làm lợi cho công ty. Đó cũng là cách mà người trẻ như tôi góp phần vào việc xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn”, chị Thi bày tỏ.
Giúp công ty tiết kiệm hàng trăm triệu/tháng
Tuy còn trẻ (sinh năm 1997) nhưng Nguyễn Hữu Đạt (nhân viên bảo trì Công ty CP Cơ khí – Xây dựng – Thương mại Đại Dũng) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn bảo trì, bảo dưỡng và cải tiến máy móc thiết bị. Dù công việc bận rộn và chịu nhiều áp lực nhưng anh Đạt vẫn luôn dành thời gian để tự học, đồng thời tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để hỗ trợ cho công việc chuyên môn của mình. Trong quá trình làm việc, anh đã có sáng kiến cải tiến chế tạo 5 bộ gá xoay ống lớn phục vụ cho công tác sản xuất, được tổ hàn thô, ráp thô sử dụng tại các phân xưởng AH1, 2, 3 thuộc dự án Australia. Bộ gá xoay có thể thay thế cẩu trục khi cần, không phải mua mới, chi phí gia công và vật liệu rẻ (sử dụng thiết bị tận dụng có sẵn), hoàn toàn có thể tái chế, thay đổi cơ cấu cho phù hợp với dự án khác khi cần thiết, tính cơ động cao. Sáng kiến này của anh đã làm lợi cho công ty gần 200 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Hữu Đạt không ngừng học tập, bồi dưỡng chuyên môn để cho ra đời nhiều sáng kiến có ích phục vụ cho đời sống
Mới đây, anh Đạt đưa ra sáng kiến “Cải thiện máy hàn chập sử dụng cho dự án Ai Cập”. Theo đó, máy hàn chập khi mua về chưa tối ưu khả năng sản xuất, hay bị lỗi về cơ khí và quá nhiệt khiến công việc bị gián đoạn. Để máy hoạt động nhanh, anh đã thay thế cần kẹp trong quá trình hàn thành kẹp sử dụng hệ thống khí nén tự động, giảm sức lao động nhân công, tăng độ chính xác, sức kẹp, giảm độ hở so với kẹp thủ công. Ngoài ra, anh còn nghĩ cách lắp thêm bộ làm mát, giảm tải hiện tượng quá nhiệt khi hàn chập liên tục trong thời gian dài, giảm khoảng thời gian chết do chờ nguội, tăng sản lượng cũng như chất lượng… Điều đặc biệt là các cải tiến của Đạt đều tái sử dụng lại những thiết bị cũ đã ngưng sử dụng, hoặc các thiết bị dư thừa, có sẵn. Sáng kiến này của anh đã giúp công ty tiết kiệm khoảng 65 triệu đồng/tháng…
Chia sẻ về những khó khăn mỗi khi đưa ra một sáng kiến mang lại hiệu quả cao, anh Đạt nói: “Cái khó khăn không phải là không có đầy đủ thiết bị mà khó ở việc làm sao có chất xám để thực hiện sáng kiến. Để cải thiện vấn đề này, bản thân tôi phải mất rất nhiều thời gian tự nghiên cứu, học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước. Tích lũy mỗi ngày một ít từ tiểu thành đại mới có ngày thành công”.
Là nhân sự trẻ nhưng những kiến thức và kinh nghiệm của anh Đạt luôn được lãnh đạo đánh giá cao. Ngoài công việc bảo trì ở công ty, anh còn thường xuyên nhận nhiều công việc ở bên ngoài theo sự chỉ định của ban lãnh đạo. “Nếu muốn thành công, bạn đừng bao giờ phí hoài thanh xuân chỉ để nghĩ đến chuyện an nhàn. Bởi lẽ chính những ngày tháng “không làm gì cả” thoáng qua có thể thấy sung sướng nhưng thực chất đây lại chính là khoảng thời gian bất ổn nhất trong cuộc đời mỗi người. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn từng ngày để bản thân không phải giậm chân tại chỗ”, anh Đạt bày tỏ.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)