Một ca điều trị hóc dị vật cho trẻ. Ảnh: T.L |
Có những tai nạn tưởng chừng không thể xảy ra đối với trẻ em nhưng nó đã xảy ra. Trong đó, có một phần lỗi do người lớn. Chính vì thế, việc phòng tránh các tai nạn này cho trẻ là một việc làm rất cần thiết của các bậc phụ huynh.
Đùa chơi, tai nạn… thật
Ngày 22-3 vừa qua, Khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phẫu thuật vá sọ, dẫn lưu máu cho bé gái L.N.N, 10 tháng tuổi, ngụ quận 8 – TP.HCM do quạt trần chém nứt sọ với chiều dài 12cm. Được biết, ngày 21-3, trong lúc vui đùa với con, cha của bé N. bế bé chơi trò tung hứng. Thấy con cười thích thú, người cha này tiếp tục tung con. Do tung quá cao, đầu của bé N. va vào quạt trần đang quay nên bé được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Hiện, sức khỏe của bé N. đã ổn định. Đây không phải là trường hợp hi hữu bởi trước đó, Khoa Cấp cứu của bệnh viện này cũng đã tiếp nhận một trẻ 3 tuổi ở TP.HCM bị chấn thương rất nặng, sau hai ngày nhập viện đã tử vong. Nguyên nhân mới nghe qua cứ tưởng như… đùa, cũng do bố chơi trò tung hứng với con. Nhưng khi tung bé lên cao rồi người cha vì bị vấp chân nên… chụp hụt. Thêm một tai nạn đau lòng nữa với trẻ cũng vào Bệnh viện Nhi đồng 2 nhưng không thể cứu chữa được vì chấn thương đầu quá nặng. Đó là bé L. ở TP.HCM, do bố để bé ngồi trên lan can lầu chơi, bé vùng vẫy khiến bố vuột tay làm bé bị rơi từ trên cao xuống. BS. Lê Tròn Vuông, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết thời gian qua, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp trẻ, nhất là trẻ mới biết đi bị các tai nạn bất ngờ, ngoài ba trường hợp trên, trẻ còn bị chấn thương sọ não, té cầu thang và nhiều nhất là bỏng do sự bất cẩn của cha mẹ. Nếu các bậc phụ huynh trông con không cẩn thận thì đây là những tai nạn khiến trẻ phải vào viện nhiều bởi trẻ con rất nhanh, chỉ lơ là một chút là xảy ra tai nạn. Riêng với việc tung hứng trẻ có thể xảy ra những tai nạn như vuột tay làm rơi trẻ xuống đất, gây lồng ruột, chóng mặt… cho trẻ. Đây là cách chơi không nên thực hiện với trẻ trong bất cứ trường hợp nào.
Nhiều trẻ bị hóc dị vật
Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã tiếp nhận bệnh nhi A. (4 tuổi ở Thuận An, Bình Dương) trong tình trạng nguy kịch do sặc xúc xích gây ngừng thở. Bệnh nhi được các BS điều trị tích cực, cho thở máy và đã có phản ứng với tiếp xúc. Trước đó, bé bị ho sặc khi đang ăn xúc xích, được gia đình đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu bằng cách lấy mảnh xúc xích to gần bằng ngón tay ra khỏi đường thở của bé, sau đó chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Vào trung tuần tháng 3 vừa qua, sau bữa cơm, trong lúc người lớn không để ý, bé Minh (2 tuổi , Hà Nội) đã nuốt phải hạt nhãn dẫn đến ngừng thở. Bé được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Kết quả thăm khám cho thấy, hạt nhãn bị mắc trong họng bé bịt kín toàn bộ thanh quản. Hiện, sức khỏe của bé đã ổn định, tuy nhiên theo các BS thì do bị ngừng thở, ngừng tim quá lâu nên khả năng bé bị biến chứng não là rất lớn.
Có thể nói, những trường hợp trẻ bị hóc dị vật như trên không phải hiếm gặp. Bởi trẻ nhỏ khi đang ở độ tuổi hiếu động, bắt gặp cái gì cũng có thể cho vào miệng. Vì thế, cha mẹ cần quản lý con khi dùng các loại quả như: Nhãn, chôm chôm, sabôchê…
“Các bậc phụ huynh cần chú ý không nên ép con ăn lúc đang khóc hoặc cười vì trẻ rất dễ bị sặc. Nếu trẻ vô tình nuốt phải dị vật nhọn thì nên đưa đi cấp cứu ngay, tránh móc họng bé vì cách làm này có thể khiến dị vật càng mắc sâu hơn” – BS. Lê Đình Trứ – Trưởng khoa Tai – mũi – họng Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo.
Phụng Diễm
Bình luận (0)