Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cẩm nang triệu chứng thai kỳ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Mang nặng đẻ đau chỉ có ai trải qua mới biết nhọc nhằn đến thế nào, do bà bầu phải đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu trong hơn 9 tháng thai kỳ.
Ốm nghén
Đây là triệu chứng thường thấy nhất ở giai đoạn đầu của thai kỳ, và hay bắt đầu vào tuần thứ 6 kể từ khi cấn thai. Dù không phải lúc nào cũng kèm theo nôn mửa hoặc chỉ xảy ra vào buổi sáng, đa số phụ nữ thường xuyên lâm vào tình trạng vật vã, khó chịu và một số người còn bị ói triền miên.
Theo giới chuyên gia, ốm nghén xuất hiện do sự thay đổi hormone một cách nhanh chóng, đặc biệt ở hormone gọi là HCG. Hàm lượng HCG tăng cao đột ngột trong khoảng đầu thai kỳ và đóng vai trò trong chuỗi tín hiệu kích hoạt hormone progesterone. Về phần mình, progesterone biến dạ con thành nơi chào mời lý tưởng cho trứng đã thụ tinh.
Vào thời gian đầu của thai kỳ, hàm lượng HCG thường tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày, theo bác sĩ sản khoa Terry Hoffman thuộc Trung tâm y tế nhân đạo tại Baltimore (Mỹ).
 
Ảnh: Shutterstock
Mệt mỏi
Xảy ra thường xuyên hơn ốm nghén, nhưng tình trạng lại ít được đề cập đến. Bác sĩ Hoffman cho hay thai phụ chỉ đơn giản là bị mệt mỏi vô cùng. Một phụ nữ dù bề ngoài chẳng mang dấu hiệu nào cho thấy đang mang thai, có thể chẳng muốn tiết lộ tin vui này cho người khác, cũng dễ bị “lộ” do mệt mỏi quá độ. Cái mệt đó rất khó tả, theo kiểu, phút trước khỏe phút sau lại có cảm giác như chưa được ngủ cả tuần rồi. Giới chuyên gia so sánh sự mệt mỏi trong 3 tháng đầu giống như người đang chạy marathon, do cơ thể người mẹ phải dồn hết sức cho quá trình trao đổi chất phục vụ chuyện mang thai. May mắn là những cơn mệt như vậy thường bớt dần vào tuần thứ 12 hoặc 13.
Tăng cỡ ngực
Vòng 1 phát triển là một triệu chứng khác của thai kỳ. Một phần của sự tăng trưởng gây ra bởi sự tích tụ mỡ trong thời kỳ thai nghén và nuôi con, trong khi phần còn lại là do hormone kích thích tuyến vú theo hướng tạo sữa cho bé. Tình trạng nở ngực thường diễn ra sớm, có thể là do cơ thể người mẹ muốn đảm bảo thai nhi sinh non vẫn có sữa bú, theo bác sĩ Hoffman. Cùng với kích thước ngực tăng là những cơn đau âm ỉ ở vùng ngực, nhưng quá trình gia tăng trọng lượng sẽ ngưng lại sau 3 tháng đầu.
Bải hoải khớp
Khớp yếu là một trong những vấn đề mà thai phụ thường mắc phải. Quá trình chuyển dạ bao gồm giai đoạn phần đầu đã to của thai nhi chui qua xương chậu đang mở. Là một phần của quá trình này, cơ thể bắt đầu tiết ra hormone gọi là relaxin trong suốt thai kỳ, làm mềm các sụn nối với xương mu. Tuy nhiên, relaxin không chỉ tập trung vào phần khớp đó mà còn khiến mọi khớp trên cơ thể cảm thấy lỏng lẻo và dễ mất thăng bằng.
Relaxin có thể dẫn đến cảm giác đau nhức và những khớp khác cũng lỏng theo. Tuy nhiên, đây là tình trạng bình thường, và nếu hormone trên không được tiết ra (trong trường hợp hết sức hiếm), đó sẽ là thảm họa thực sự cho người mẹ. Ví dụ như ca đẻ khó của Pamela Sailor ở California (Mỹ), các cơn co thắt khi chuyển dạ không chỉ mở rộng cổ tử cung của cô mà còn nới luôn xương chậu của cô này. Kết quả Sailor phải chịu đựng cơn đau cùng cực trong suốt quá trình sinh con.
Tăng cân
Trung bình, một thai phụ tăng từ 11-16 kg trong suốt thời gian mang thai. Theo đó, khoảng 3,4 kg cho bào thai; khoảng 0,7 kg cho nhau, 0,4 kg phần ngực và thêm 3,4 kg vào việc tồn trữ năng lượng, hay gọi đơn giản là mỡ; khoảng 1,6 kg nữa vào nước; 1,4 kg cho máu. Thai phụ cần phải tồn trữ nhiều máu, đến 50% so với thể tích máu trước khi cấn thai.
Trước khi có con, tử cung chỉ bằng kích thước quả lê và nằm ở vùng dưới của xương chậu. Đến lúc chuyển dạ, nó nặng từ 5-6 kg và nở rộng lên tận lồng ngực. Việc tăng trọng ở phần trước cơ thể có thể gây áp lực lên phần lưng dưới và đôi khi chèn ép dây thần kinh hông, gây ra tình trạng tê và đau ở phần chân. Nói chung là hết sức bất tiện cho hoạt động hằng ngày.
Thai máy
Không giống như tình trạng đau khớp hoặc chóng mặt vào ban ngày, cảm giác biết được thai nhi đang di chuyển trong bụng thật không gì so sánh được, cũng giống như đứa bé đang chứng tỏ sự hiện diện của mình trước người mẹ.
Ban đầu, thường vào tuần 21 của thai kỳ, những cú máy có thể dễ dàng bị nhầm lẫn là chứng sôi ruột, nhưng thai khi lớn lên sẽ có đủ lực để giúp bà mẹ phân biệt đâu là cú thúc nhẹ của con để chờ đón. Thai nhi cũng hết sức nhạy cảm với tiếng động lớn, vì các cú thúc sẽ xuất hiện khi âm thanh bên ngoài quá ồn.
Giãn dây chằng
Vào giữa tuần 16 đến 22, nhiều thai phụ bắt đầu cảm thấy bị đau dây chằng, đặc biệt ở vùng bụng, tại các dây chằng cổ tử cung. Các dây chằng cổ tử cung đóng vai trò như các mỏ neo chạy từ các cạnh của dạ con xuống đến vùng háng. Cảm giác khi đau hết sức khó chịu, giống như vừa chịu một cú đâm hoặc đau nhói, tương tự như lúc đau dây chằng khi ho hoặc nhảy mũi quá mạnh.
Những cơn co thắt
Dù ít được biết đến, những cơn co thắt bắt đầu ở tuần thứ 12 của thai kỳ. Những hoạt động co “thực tập” này gọi là Braxton-Hick, và thai phụ ít khi bị đau. Thay vào đó, các bà mẹ tương lai có cảm giác như tử cung cứng dần lên và siết chặt. Vào lúc lâm bồn, những cơn co thắt mới thật sự làm thai phụ đau đớn.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)