Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đừng để bệnh vì… nước

Tạp Chí Giáo Dục

Nước bẩn có thể gây ra bệnh cho mắt

Nước là một thực phẩm cần thiết cho đời sống và cơ thể con người. Uống đủ nước còn giúp tránh nhiễm virus, vi khuẩn vào cơ thể. Song, nước cũng là môi trường trung gian lây truyền các dịch bệnh…
Bệnh từ nước mà ra
“Từ thời Hippocrates, nhân loại đã biết đến mối tương quan giữa dịch bệnh và nguồn nước. Nước dùng trong sinh hoạt có thể gây bệnh cho con người trong 3 trường hợp: Tiếp xúc trực tiếp với nước như tắm rửa (thường do hóa chất và vi sinh vật trong nước), sử dụng trong ăn uống (do nước nhiễm vi sinh vật), ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm hóa chất qua hệ sinh thái hoặc thực phẩm được rửa bằng nước bị nhiễm bẩn”, BS.CKI Ngô Cao Lẫm – Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết.
Theo đó, nếu sử dụng nguồn nước không an toàn có thể gây ra rất nhiều bệnh cho con người. Cụ thể như viêm dạ dày ruột do virus – thường kéo dài 24-27 giờ kèm theo nôn ói, tiêu chảy; bệnh viêm gan siêu vi A; bệnh tiêu chảy – bệnh được xếp vào loại “tối nguy hiểm”, bệnh nhân nhanh chóng mất nước điện giải, trụy tim, suy kiệt và tử vong; bệnh thương hàn; viêm gan siêu vi E; tiêu chảy do Rotavirus… Đây là những bệnh nhiễm khuẩn qua đường tiêu hóa có liên quan đến nguồn nước.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nước bị nhiễm khuẩn còn gây ra bệnh giun sán. Bệnh do giun đũa, giun tóc, giun kim lây truyền qua nước. Trứng và ấu trùng có trong phân nhiễm vào nước, gặp điều kiện thuận lợi thì nhiễm qua người.
Nước bẩn còn gây ra bệnh cho mắt – bệnh kết mạc do virus. Virus gây bệnh thường có nhiều ở các bể bơi công cộng nếu không được vệ sinh, khử khuẩn đúng cách. Ngoài ra, nước ô nhiễm còn chứa các tác nhân truyền bệnh gây nguy hiểm cho da con người. Nếu không điều trị, bệnh sẽ nặng, về lâu dài có thể dẫn đến ung thư và tử vong.
Để phòng trách các bệnh do nước gây ra cần phải sử dụng cầu tiêu hợp vệ sinh; ăn chín, uống chín; nguồn nước sử dụng trong ăn uống cũng như sinh hoạt phải đạt tiêu chuẩn (không màu, không mùi, không có vị lạ…).
Thiếu hay dư nước đều gây ra bệnh
BS. Lẫm khẳng định: “Nước chiếm thành phần quan trọng trong cơ thể con người (63%), trong huyết tương và các phủ tạng có tỷ lệ cao hơn. Nước tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất, đảm bảo sự cân bằng các chất điện giải, điều hòa thân nhiệt. Trung bình mỗi người cần 2-4 lít nước/ngày. Những người làm công việc nặng nhọc trong thời tiết nóng bức thì nhu cầu nhiều hơn. Nước cung cấp cho cơ thể các nguyên tố cần thiết như iốt, flour, mangan, kẽm, sắt, các vitamin, khoáng chất, acid amin. Vì vậy, đối với cơ thể, nước còn quan trọng hơn cả chất đạm, chất béo, chất đường, vitamin và khoáng chất”.
Uống nước không chỉ đơn thuần để giải khát. Nếu nước nạp vào cơ thể không đủ hoặc mất đi quá nhiều do các nguyên nhân như tiêu chảy, ói mửa, xuất huyết, sốt cao sẽ biểu hiện bằng triệu chứng khát nước. Khi khát nước tức là cơ thể đang thiếu nước và cần phải bổ sung kịp thời. Nếu không sẽ gây nên tình trạng bứt rứt không yên, kém ăn, tay chân tê dại, thở nhanh, tim đập nhanh, thân nhiệt tăng cao (ở trẻ em có thể dẫn đến co giật). Khi bị mất nước đến một mức độ nhất định có thể gây ra tử vong.
Ngược lại, uống nước quá nhiều trong ngày và ngay sau bữa ăn sẽ làm pha loãng hoặc giảm hoạt tính của các men tiêu hóa thức ăn. Không nên uống một lúc quá nhiều, cũng không nên khi thấy khát mới uống. Nên uống một ly nước vào mỗi buổi sáng ngay sau khi thức dậy sẽ giúp bổ sung nước cho cơ thể sau một giấc ngủ dài.
Trong những trường hợp cần truyền dịch để điều trị bệnh, phải cân bằng với lượng nước thải ra. Nếu truyền quá nhiều dịch có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc nước, khi ấy sẽ ảnh hưởng đến chức năng tim, thận, thậm chí có thể tử vong.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)