Chườm nước ấm sẽ làm cho trẻ đang bị cảm sốt cảm thấy dễ chịu hơn. Ảnh: T.L |
Không phải là căn bệnh nguy hiểm, song cảm sốt cũng gây ra không ít phiền toái, ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học tập của trẻ nhỏ.
Thời điểm này trời đang chuẩn bị vào hè, thời tiết bất thường khiến trẻ rất dễ bị cảm sốt.
Những trường hợp cụ thể
Có lẽ do sức đề kháng yếu nên những ngày thời tiết thay đổi là bé My (6 tuổi) lại bị cảm, sốt. Cách đây vài ngày, chị Loan đón bé My ở trường về thì thấy bé hơi nóng, mặt cứ ỉu xìu. Chị Loan pha sữa ấm mà My vẫn nằm bẹp không chịu uống, bữa tối chị dỗ dành mãi My mới ăn được tí cháo. Chả bù cho mọi hôm My ăn rất ngoan. Thấy con nóng hầm hập, trên 390C nên chị vội lấy nước ấm lau người cho con, thế mà không thấy con bớt nóng chút nào. Nghe theo lời khuyên của bác Mai hàng xóm “Không nên chủ quan dù cảm sốt”, chị Loan đưa con đến bệnh viện chữa trị kịp thời.
Trước đây, bé Quân (7 tuổi), con của chị Hằng chỉ hay viêm họng, cảm sốt vào mùa đông, nhưng gần đây trời vào hè mà cháu vẫn thường xuyên bị cảm sốt. Đưa con đi khám BS, chị mới “té ngửa” bởi nguyên nhân là do cái quạt hơi nước hiện đại mà chị mới mua về mấy tuần nay. Chị Hằng cứ nghĩ trời oi bức, trẻ thường mệt mỏi vì bị mất nước do toát mồ hôi nhiều nên chị mua quạt hơi nước nhằm cung cấp cho con đỡ thiếu nước. Thế nhưng, theo lời giải thích của BS. Nguyễn Văn Tiến (Bệnh viện 175 – TP.HCM): “Phần lớn các ngày hè ở Việt Nam, không khí nóng nhưng độ ẩm rất cao. Khi đó, các bậc phụ huynh nên dùng quạt thường để lưu thông khí và giảm độ ẩm trong phòng, còn nếu dùng quạt hơi nước thì độ ẩm càng cao, mà độ ẩm quá cao rất có hại cho sức khỏe của trẻ, dễ gây bệnh cảm sốt”.
Cũng theo BS. Tiến thì mùa hè, nhiệt độ thường rất cao và duy trì ở mức trung bình là 300C trở lên. Vào mùa này, trẻ thường mắc phải các bệnh như cảm, sốt, trúng gió, cảm nắng. Nguyên nhân chính là do sự chênh lệch giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời. Ngoài ra, có một nguyên nhân nữa mà ít ông bố bà mẹ để ý, đó chính là việc để bé ngồi trong xe hơi quá nhiều và quá thường xuyên dễ dàng khiến bé bị sốc nhiệt. Điều này, có thể giải thích thêm do chức năng điều tiết nhiệt độ cơ thể của trẻ còn chưa ổn định và phát triển đầy đủ bằng người lớn nên trẻ mới bị như thế.
Xử trí khi trẻ bị cảm sốt
Để xử trí khi trẻ lên cơn sốt, việc đầu tiên phụ huynh nên đo nhiệt độ cho trẻ (ở hậu môn là chính xác nhất), hoặc kẹp trong nách cũng được, ít nhất 3 phút. Nếu thân nhiệt của trẻ không quá 380C thì chỉ việc cởi bớt áo, mặc quần áo mỏng và theo dõi nhiệt độ thường xuyên, cứ 1 giờ đo một lần. Trong khi theo dõi thân nhiệt, dùng khăn mềm, sạch, nhúng nước ấm ấm lau lên khắp mình trẻ cho tới khi thân nhiệt xuống 370C. Nước ấm sẽ làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu, không nên chườm nước đá vì trẻ sẽ khó chịu, và điều này cũng làm sốt cao thêm do cơ chế co mạch ngoại vi. Nếu trường hợp thân nhiệt trên 380C thì cho trẻ uống một liều Paracetamol sử dụng theo hướng dẫn của đơn thuốc. Chú ý cho trẻ dùng đúng liều đồng thời mặc quần áo mỏng cho trẻ và đưa ngay đi khám bệnh.
Trong trường hợp trẻ bị sốc nhiệt, phụ huynh cần nhanh chóng sơ cứu cho trẻ bằng cách đưa bé tới nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo cho trẻ có nhiều ôxy hơn để thở. Sau đó, đưa trẻ tới bệnh viện.
Theo Lương y Đinh Công Bảy thì cây rau má rất mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy, giảm cảm sốt. Cây rau má, 30-50g tươi hoặc 15-30g khô sắc với 400ml nước còn 100ml, chia 3 lần uống/ngày hoặc ngậm và nuốt từ từ, dùng liên tục cho đến khi trẻ khỏi hẳn.
Vân Thảo
Bình luận (0)