Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Trẻ bị kiết lỵ: Đừng chủ quan!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

BS. Châu Ngọc đang khám điều trị cho bệnh nhi bị kiết lỵ ngày 23-4

Nhiễm Amip Entamoeba histolytica là một trong những nguyên nhân gây bệnh kiết lỵ cho trẻ. Theo đó nếu bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể trở thành mạn tính, thậm chí biến chứng và gây tử vong.
Không nghĩ trẻ nhỏ sẽ nhiễm bệnh
Mới sinh ra được 3 tháng, Trần Tuấn Minh (Đắk Lắk) đã mắc ngay bệnh kiết lỵ. Một ngày bé đi cầu 4-5 lần. Cứ nghĩ con bị bệnh tiêu chảy thông thường như những trẻ khác, chị Nguyễn Thị Hà (mẹ bé) liền mua ngay men tiêu hóa cho con uống nhưng bệnh không giảm. Được một số người mách bảo, chị không mua men tiêu hóa nữa mà nấu nước trà xanh cho bé uống nhưng bệnh vẫn không hết. Biết là bệnh nặng, chị đưa bé Minh đến trạm y tế, bệnh viện tư, bệnh viện tỉnh khám điều trị cả tháng trời song “bệnh vẫn hoàn bệnh”. Chị lại tiếp tục nhờ người quen mua 2 gói thuốc bắc từ Hà Nội gửi vào cho con uống nhưng thay vì thuyên giảm thì bệnh lại trở nặng khiến bé đi cầu nhiều kèm theo máu tươi. Quá hoảng sợ, chị mới quyết định chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) khám, soi phân thì mới hay Minh bị Amip Entamoeba histolytica gây bệnh kiết lỵ.
Tương tự, bé Hùng Thắng (2 tháng tuổi, Đắk Lắk) cũng bị Amip Entamoeba histolytica tấn công gây bệnh. Nhưng sau hai tháng điều trị kịp thời, đúng bệnh, đúng thuốc, bé đã khỏi. Tuy nhiên, chị Hồng Phương (mẹ bé) không tránh khỏi phân vân: “Theo tôi biết, trẻ nhỏ rất ít bị nhiễm Amip Entamoeba histolytica vì thế khi con bị bệnh, thời gian đầu tôi khá chủ quan nên cũng tự ý mua men tiêu hóa cho con uống. Chỉ khi BS chẩn đoán tôi mới  rõ bệnh tình”.
Theo ThS.BS Tăng Lê Châu Ngọc, Phó khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi đồng 2), thông thường có hai nguyên nhân gây ra bệnh kiết lỵ: Do trực khuẩn Shigella và Amip Entamoeba histolytica gây ra. Bệnh do Amip Entamoeba histolytica gây ra thường hay xuất hiện ở trẻ từ 5 tuổi trở lên và ở người lớn, hiếm khi xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh chỉ phát hiện khi soi trực tiếp phân sống tìm ra amip ăn hồng cầu. Vì thế khi bệnh nhân bị kiết lỵ, chúng ta thường nghĩ đến lỵ trực tràng (trực khuẩn Shigella gây ra) mà ít nghĩ đến nguyên nhân do Amip Entamoeba histolytica gây ra.
Phòng bệnh là chính
Amip Entamoeba histolytica ký sinh trong đại tràng, tấn công vách ruột làm viêm loét đại trực tràng gây hội chứng lỵ. Lúc này người bị bệnh thường luôn muốn đi đại tiện nhưng chỉ đi khoảng 5-10 lần/ngày. Kèm theo đó bệnh nhân sẽ đau bụng, mót rặn, đi cầu có cảm giác đau buốt, kèm theo phân thường lỏng, có chất nhầy và máu. Và bệnh nhân sẽ không kèm theo sốt như một số bệnh lý khác.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh. Amip Entamoeba histolytica có ở trong phân. Khi đi ra ngoài, mầm bệnh ở dạng bào nang. Nếu thời tiết khô thì tồn tại khoảng 3 ngày, ngược lại thời tiết ẩm ướt thì tồn tại từ 1 đến 4 tuần lễ. Đây là điều kiện để bào nang phát tán, gây ô nhiễm môi trường nước, dính vào nguồn thực phẩm rau củ quả. Người lành chẳng may ăn phải, bào nang sẽ xâm nhập qua đường tiêu hóa và gây bệnh. Giai đoạn cấp tính trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa như đi cầu nhiều lần trong ngày, phân nhầy có máu và thời gian kéo dài từ 4-6 tuần. Nếu không điều trị dứt điểm, kịp thời bệnh sẽ chuyển sang mạn tính gây viêm loét đại trực tràng.
Để phòng tránh bệnh, cần cho trẻ ăn chín uống sôi. Đảm bảo nguồn nước sạch sẽ, chế biến thức ăn tươi sạch đảm bảo vệ sinh. Xử lý phân thải đúng cách, tránh mất vệ sinh, gây ô nhiễm phát tán mầm bệnh với những người xung quanh. Với trẻ nhỏ, nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, luôn vệ sinh tay chân sạch sẽ vì trẻ thường hay có thói quen ngậm, mút tay. Bệnh thường được điều trị bằng kháng sinh từ 7-10 ngày. Tuy nhiên khi trẻ bị bệnh cần đến ngay trung tâm y tế, bệnh viện khám, chẩn đoán để điều trị kịp thời.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)