Một bệnh nhân đang được BS đo mật độ xương để chẩn đoán bệnh loãng xương. Ảnh: M.H |
Theo số liệu thống kê của Hội Loãng xương TP.HCM, nước ta hiện có khoảng 2,8 triệu người mắc bệnh loãng xương, trong số đó có đến 2,1 triệu phụ nữ đang “sống chung” và gánh chịu những hệ lụy do căn bệnh này gây ra. TS.BS Lê Anh Thư (Bệnh viện Chợ Rẫy – TP.HCM) cho biết: “Loãng xương là căn bệnh khó chữa, nguy hiểm nhưng dễ phòng ngừa”.
Những hệ lụy khôn lường
Cô Lê Minh Ngọc (53 tuổi, quận 10 – TP.HCM) cho biết: “Trước đây khi bị những cơn đau ở xương tay, xương chân, tôi cứ nghĩ là do làm việc vất vả chứ không hề biết hệ xương của mình đang thiếu hụt canxi. Không ngờ khi tình cờ đo mật độ xương ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì mới biết khối lượng xương của tôi đã mất hơn phân nửa. Từ đó đến nay, tôi tốn rất nhiều tiền bạc cho các loại thuốc uống, thuốc tiêm đặc trị nhưng bệnh cũng không thuyên giảm bao nhiêu. Nếu lúc trước tôi biết quan tâm, chăm sóc sức khỏe xương của mình tốt hơn thì đâu đến nỗi như bây giờ”.
Cũng như nhiều bệnh nhân khác, khi bị đau nhức ở các khớp xương, anh Lam Hà (49 tuổi) chủ quan nghĩ mình bị bệnh khớp nên tự mua thuốc giảm đau về uống. Anh Hà buồn bã: “Cách đây hơn 6 tháng, hai đầu gối và xương chân tôi cứ đau buốt dù xoa bóp bao nhiêu dầu, tôi đi khám ở bệnh viện thì được chẩn đoán là loãng xương. Lúc đó thì bệnh đã trầm trọng rồi. Giờ thì tôi bị đau nhức toàn thân, đi lại vô cùng khó khăn”.
BS. Lê Anh Thư cho hay: “Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân loãng xương đến điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang gia tăng. Nhiều bệnh nhân không biết những ảnh hưởng nghiêm trọng của căn bệnh này tới chất lượng cuộc sống, vì thế khi nhập viện đều đã bước vào giai đoạn nặng với các biến chứng nặng nề”. Cũng theo BS. Lê Anh Thư thì dấu hiệu sớm nhất của bệnh này là đau lưng nhẹ, âm ỉ, thường bị bỏ qua. Nếu không điều trị loãng xương có thể gây ra gãy xương. Nguy cơ loãng xương cũng tăng cao ở những người bị viêm khớp dạng thấp, viêm gan C, nhiễm trùng gan, cường giáp, cường tuyến phó giáp. Ngoài ra, việc dùng lâu dài một số thuốc cũng có thể dẫn đến bệnh này như heparin (làm loãng máu), phenytoin (chống động kinh), corticoid (kháng viêm).
Việc phòng ngừa đơn giản
BS. Lê Anh Thư khuyến cáo: “Loãng xương được xếp vào một trong những căn bệnh khó có khả năng hồi phục hoàn toàn, việc điều trị bệnh này thường phức tạp, rất tốn kém, kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, mặc dù bệnh loãng xương rất nguy hiểm nhưng may mắn là việc phòng ngừa căn bệnh này lại khá đơn giản như: Duy trì thói quen vận động, phơi nắng 15 phút/ngày, bổ sung vitamin D qua chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là uống sữa giàu canxi. Tập thể dục ngoài trời buổi sáng cũng là một biện pháp tăng cường vitamin D hiệu quả, giúp tăng cường sự chắc khỏe cho xương, duy trì thói quen vận động tốt cho xương. Ngoài ra, cũng nên tránh nguy cơ té ngã, duy trì cân nặng hợp lý, tránh thuốc lá, bia, rượu… Cần chủ động phòng ngừa loãng xương ngay từ độ tuổi 35 vì sau lứa tuổi này, mật độ xương bắt đầu suy giảm và có thể có nguy cơ bị loãng xương nếu không chăm sóc xương đúng cách”.
Để phát hiện sớm bệnh loãng xương, nên đi khám bệnh sớm ngay khi có các dấu hiệu đau mỏi mơ hồ ở cột sống, ở hệ thống xương khớp, dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, vọp bẻ… Các BS chuyên khoa sẽ cho kiểm tra bằng cách chụp X quang xương hoặc cột sống; đo khối lượng xương bằng kỹ thuật đo mật độ xương hấp phụ tia X năng lượng kép (DEXA) trên máy DEXXUM T với kỹ thuật rất đơn giản, nhanh gọn chỉ trong vòng 15 phút, không có hại cho sức khỏe.
Phụng Diễm
Bình luận (0)