Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bức bách công trình nhà giữ xe tập trung

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi nhu cầu giữ xe tại TPHCM ngày càng bức bách thì các dự án bãi xe ngầm ở trung tâm thành phố “rơi rụng” dần, khiến cho việc đậu đỗ xe ở nội đô càng trở nên khó khăn.
Xe hơi đậu hàng dài trên đường Alexandre De Rhodes, quận 1, vào ngày cuối tuần
Nan giải chỗ đậu ô tô
Đầu giờ làm việc sáng 5-6, anh Nguyễn Tất Thắng, lái xe cho một doanh nghiệp ở quận 12 (TPHCM), bật đèn khẩn cấp dừng trên đường Alexandre De Rhodes, đoạn gần giao lộ Phạm Ngọc Thạch (quận 1) để đợi lãnh đạo làm việc với đối tác gần đó. Tuyến đường này có đặt biển báo cấm dừng, cấm đậu ô tô nhưng hàng dài ô tô vẫn bật đèn khẩn cấp để dừng. “Nhiều hôm tôi chạy lòng vòng cả tiếng đồng hồ xung quanh quận 1 nhưng không tìm ra chỗ đậu xe. Như hôm nay, tôi tìm mãi không ra chỗ đậu nên đành phải bật đèn khẩn cấp dừng tạm để đợi. Dừng thế này cũng hên xui, có khi bị phạt, nhưng không còn cách nào khác”, anh Thắng nói…
Rảo quanh khu vực trung tâm thành phố như Công viên 23-9, Công viên Lê Văn Tám, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh hàng trăm ô tô xếp hàng đôi đậu dài phía trước cổng. Khung cảnh tương tự cũng diễn ra trên loạt tuyến đường Pasteur, Nguyễn Công Trứ, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hàn Thuyên, Nguyễn Du, Ngô Thời Nhiệm, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trương Định, Lý Tự Trọng… Các khu vực này đều cắm biển cấm đậu xe nhưng nhiều tài xế vẫn dừng, bật đèn khẩn cấp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, TPHCM ghi nhận số lượng ô tô gia tăng, nhất là tại khu vực các quận nội thành. Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, mỗi ngày có hơn 1.000 xe đăng ký mới, với khoảng 221 ô tô và 804 xe hai bánh. Tính đến hết quý 1-2023, TPHCM đang quản lý gần 9 triệu xe, trong đó có gần 900.000 ô tô, còn lại là xe hai bánh. Sở GTVT đánh giá việc này gây áp lực lên hệ thống hạ tầng dẫn đến tình trạng kẹt xe ngày càng nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,76%, thấp hơn 10% so với quy chuẩn và thấp hơn các thành phố tương đồng trong khu vực.
Khẩn trương làm bãi giữ xe lắp ghép
Theo quy hoạch tại Quyết định 6708/QĐ-UB (ngày 29-12-2012) của UBND TPHCM, khu trung tâm thành phố rộng 930ha có gần 10 bãi đậu xe ngầm. Hơn 10 năm qua, nhiều vị trí từng được chọn để quy hoạch bãi đậu xe ngầm đã bị hủy bỏ. Cụ thể, dự án bãi đậu xe Công viên Lê Văn Tám có tổng diện tích 11.000m2, quy mô 4 tầng ngầm gồm 2 khu thương mại và đậu xe với sức chứa 2.000 xe máy, 1.300 ô tô, với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng đã động thổ rồi rơi vào tình cảnh đình trệ; đến tháng 8-2019, UBND TPHCM đã chấm dứt hợp đồng và thu hồi dự án. Hai dự án bãi đậu xe ở sân vận động Hoa Lư và bãi đậu xe ngầm Công viên Tao Đàn cũng bị đề xuất chấm dứt đầu tư.
Theo UBND TPHCM, hệ thống bến bãi đậu xe trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng theo quy hoạch mới đạt khoảng 20%, thiếu hơn 900ha (so với chỉ tiêu gần 1.200ha). Bên cạnh đó, quy hoạch khu vực trung tâm có các bãi đậu xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng, nhưng đến nay chưa có công trình nào được triển khai. Do đó, việc triển khai các công trình nhà đậu xe cao tầng lắp ghép, xây dựng tạm thời là rất cần thiết. Đầu năm nay, UBND TPHCM có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế, cấp phép xây dựng đối với công trình tạm này. Theo đó, công trình nhà đậu xe cao tầng lắp ghép có thể bố trí tại các vị trí trên đất của đường bộ, đất công viên hoặc đất quy hoạch xây dựng công trình công cộng nhưng chưa thực hiện dự án, chưa khai thác hết công năng. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình này chưa có tiền lệ và cần xem xét đảm bảo phù hợp quy định.
Theo Sở GTVT TPHCM, ưu điểm của công trình nhà đậu xe cao tầng lắp ghép là thời gian thi công, lắp đặt hay tháo dỡ tương đối ngắn, diện tích chiếm dụng nhỏ. Ngoài ra, kinh phí đầu tư có thể chấp nhận được và dễ tháo dỡ, di dời để lắp đặt tại vị trí khác; linh hoạt trong triển khai các phương án cải tạo, chỉnh trang hệ thống tường, khung bao che nhằm bảo đảm phù hợp với cảnh quan, môi trường xung quanh. Chủ trương này thành hiện thực sẽ giúp TPHCM tổ chức lại giao thông nội đô tốt hơn.
ĐỨC TRUNG (theo SGGP)

Bình luận (0)