Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lại “nóng” với dịch tay chân miệng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chị Ánh Hồng đang túc trực bên bé Quốc Chiến tại Phòng Cấp cứu Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1

Những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 là thời điểm bệnh tay chân miệng (TCM) vào mùa, số trẻ nhập viện liên tục gia tăng.
Nhiều “điều kiện” thuận lợi cho TCM gia tăng
Nhập viện vào 4 giờ chiều ngày 16-5, bé Nguyễn Quốc Chiến (9 tháng tuổi, Q.8, TP.HCM) được chuyển ngay vào Phòng Cấp cứu tại Khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 1) vì có dấu hiệu của TCM. Trước đó khoảng 4 ngày bé bỏ bú, có dấu hiệu sốt nhẹ nên mẹ bé là chị La Thị Ánh Hồng cho bé tới BV Nhi đồng 1 khám và BS chẩn đoán bé bị viêm phế quản nên có thể về nhà tự điều trị. Hai ngày sau tái khám bé được chẩn đoán viêm hô hấp trên và tiếp tục về nhà điều trị. Nhưng sau đó trong mỗi lần ngủ, bé thường giật mình liên tục, kèm theo sốt. Lúc này chị tiếp tục cho bé nhập viện thì bé phải vào cấp cứu vì có dấu hiệu TCM. Chị chia sẻ: “Chẳng hiểu tại sao cháu bị TCM mà lại không nổi nốt nước dưới lòng bàn tay, bàn chân như những trẻ khác. May mà cháu được cấp cứu kịp thời chứ không thì chẳng biết chuyện gì xảy ra. Đến nay cháu vẫn sốt và bệnh chưa thuyên giảm”.
Trong khi đó, bé Vũ Phan Nhật Linh (2 tuổi, Tây Ninh) cấp cứu trước Chiến 1 ngày nhưng bệnh cũng chưa thuyên giảm. Trước đó 3 ngày, bé bị sốt, ói, trên người, lòng bàn tay, chân có nổi nốt. Tuy nhiên, chị M. mẹ bé lại cho rằng các nốt nước nổi lên không giống với dấu hiệu nốt của TCM mà giống bệnh trái rạ. Trước đó, bé bị bệnh nang ruột đôi, hay ói nhiều mỗi khi ăn nên chị nghĩ bé bị sởi là chính. Mãi đến khi bé Linh ói quá nhiều, ăn uống bất cứ thứ gì là ói ra hết, người hốc hác, xanh xao thì chị mới chuyển về BV Nhi đồng 1 và được BS chẩn đoán TCM.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 1) thì thời gian này số bệnh nhi điều trị TCM tại BV Nhi đồng 1 đang tăng theo chu kỳ, tập trung dưới 5 tuổi. Còn BS. Đỗ Châu Việt (Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2) cho biết: “Thời tiết nắng nóng, oi bức như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho TCM gia tăng. Dự báo có thể tăng mạnh trong tháng 6”. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại trung bình mỗi ngày tại BV Nhi đồng 1 có 70 trẻ mắc bệnh TCM phải điều trị nội trú, tăng gấp đôi so với những tuần cuối tháng 4. Tại BV Nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày khoảng 4.000 đến hơn 5.000 bệnh nhi đến khám điều trị, trong đó có khoảng 20-25 trẻ nhập viện điều trị TCM.
Đề cao công tác phòng bệnh
BS. Trương Hữu Khanh cho biết: “Tại các trường học, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình, giáo viên nên vệ sinh sạch sẽ sàn nhà bằng các loại nước khử khuẩn, giữ vệ sinh sạch những đồ chơi mà trẻ hay tiếp xúc. Nên vệ sinh sạch tay cho trẻ trước khi ăn. Đối với người lớn khi chăm bệnh nhi cũng cần giữ vệ sinh kỹ tay chân, giữ bầu không khí xung quanh được sạch sẽ.
Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã có kế hoạch rà soát lại việc kiểm tra, giám sát thực hiện phòng chống dịch TCM tại cộng đồng, nhà trẻ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các quận – huyện trong công tác phòng chống dịch. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Để phòng chống TCM một cách hiệu quả thì cần có sự chung tay của toàn xã hội. Mọi người cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân, ăn uống sạch sẽ. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cũng nên đẩy mạnh việc tuyên truyền công tác phòng bệnh đến cộng đồng xã hội đặc biệt là các bà mẹ, giáo viên các trường tiểu học, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình để công tác phòng bệnh được hiệu quả hơn”. Theo ông Bỉnh thì hiện nay Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế tiếp tục tăng cường tập huấn các nội dung về phòng chống TCM cho đội ngũ cán bộ y tế, giảng viên giáo dục sức khỏe của tuyến cơ sở.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)