Lục bình dày đặc phủ lấp một kênh là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sôi nảy nở. Ảnh chụp tại kênh Tham Lương (Q.Tân Bình). Ảnh: Đ.H |
Mỗi tối, cô Nguyễn Thu Hương – chủ một xe hủ tiếu ở Khu công nghiệp Tân Bình phải ăn mặc như bảo hộ với quần áo dài, chân đi ủng để bán hàng. “Muỗi ở đây nhiều vô kể, không mặc như vầy, tối đến đừng hòng đứng bán hàng được”. Dứt lời, cô Hương cầm cái vợt muỗi quơ qua, tiếng muỗi nổ lách tách. Khách hàng vừa ngồi ăn vừa không ngớt đập muỗi.
Muỗi bùng phát mạnh cùng lục bình
Thời gian qua mưa nhiều, lục bình phát triển dày đặc tại các dòng kênh rạch địa bàn Q.12, Q.Tân Bình, Tân Phú, Q.Bình Thạnh, Q.Bình Tân… làm thành nơi trú ngụ của muỗi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.
Ngồi uống cà phê vỉa hè gần Khu công nghiệp Tân Bình, anh Hà Văn Kiệm – công nhân một nhà máy bao bì – ở trần để lộ chi chít những vết muỗi đốt tấy đỏ. “Chưa khi nào thấy muỗi nhiều thế này. Ở nhà trọ cũng bị chích, đi làm cũng bị chích nhất là những hôm phải trực ca đêm. Xịt thuốc, đốt nhang đuổi muỗi vẫn không ăn thua gì” – anh Kiệm than thở.
Người dân khu vực này hiện điêu đứng với dịch muỗi bùng phát. Cứ chập tối là nhà nào cũng đóng cửa kín mít, nhang muỗi được đốt cả ngày. “Ở đây kề dòng kênh Tham Lương – Bến Cát, nước đen thui, bốc mùi, ô nhiễm quá nên tạo điều kiện cho muỗi phát sinh. Rồi lục bình cũng dày đặc cả dòng kênh, làm nơi cư trú của muỗi luôn. Năm nào cứ vào mùa mưa là muỗi lại bùng lên. Sống ở đây riết rồi quen, rồi sinh hoạt thay đổi theo muỗi luôn. Chứ người lạ mà đến sống vài bữa là chịu không nổi đâu…” – ông Nguyễn Văn Bảy, nhà ngụ dưới chân cầu Tham Lương (Q.Tân Bình) thật thà chia sẻ. Mới đây, lục bình trên kênh Tham Lương đã được phía Công ty Thoát nước đô thị TP tiến hành vớt và phun thuốc xịt muỗi nhưng theo người dân ở đây thì “chẳng bõ bèn gì, muỗi vẫn nhiều vô kể”. Tối, chạy xe vào hẻm 245 Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) dưới ánh đèn pha, muỗi kêu ong ong từng chùm phía trước. Anh Ngô Văn Khương (ngụ 245/18D Nơ Trang Long, P.11, Q.Bình Thạnh) phải đốt hai cột nhang muỗi để gần chỗ ngồi để làm việc mà vẫn nghe thấy tiếng vo ve. Cô bé con nhà anh tắm xong cũng được mẹ thoa thuốc chống muỗi khắp người. Anh chia sẻ: “Chập choạng tối là không dám mở cửa. Cửa sổ cũng phải dán băng keo. Nhang muỗi thì đêm nào cũng phải đốt”.
Không thể bó tay!
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, hiện lục bình phát triển dày đặc tại 25km sông, kênh rạch trên địa bàn TP. UBND TP đã chấp thuận chủ trương giao cho các quận, huyện tổ chức vớt lục bình với tổng kinh phí hơn 2,7 tỉ đồng. Ngoài ra, TP cũng chấp thuận giao cho một đơn vị chuyên trách tổ chức vớt lục bình thường xuyên ở thượng nguồn sông Sài Gòn, không để lục bình trôi vào các tuyến kênh.
Ông Lê Văn Quang – Phó chủ tịch UBND P.11 Q.Bình Thạnh cho biết: “Trước tình trạng muỗi bùng phát do lục bình dày đặc, phường cũng nhận được sự phản ánh của người dân và đã phản ánh lên quận, quận cũng đã kiến nghị lên UBND TP đề nghị tổ chức, hỗ trợ việc vớt lục bình ở các dòng kênh rạch trên địa bàn. Thời gian qua, lục bình đã được vớt tại một số điểm. Phường cũng tiến hành phun thuốc xịt muỗi dọc kênh và khu dân cư, song muỗi chỉ giảm được một phần nhỏ”.
Ông Quang cũng khuyến cáo người dân nên tự vệ sinh sạch sẽ, phát quang cây cối khu vực xung quanh nhà ở để tránh có nơi trú ngụ của muỗi. Mắc màn trước khi đi ngủ, đóng các cửa sổ ban đêm để bảo vệ sức khỏe. Còn theo một lãnh đạo Q.Tân Phú thì lục bình trên dòng Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đã được tiến hành vớt, tuy nhiên vớt chưa triệt để. Vẫn còn rất nhiều đoạn kênh lục bình dày kín, làm nghẽn tắc dòng chảy. Mà lục bình phát triển rất nhanh, chỉ cần còn sót lại vài cụm, sau một trận mưa thôi thì đã sinh sôi, nảy nở ra nhiều thêm. Và muỗi cũng theo đó mà ra gây bệnh cho con người.
Đông Sa
Bình luận (0)