Một ca phẫu thuật gắp dị vật cho trẻ. Ảnh: T.H |
Trong tháng 5 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn. Trong đó có những tai nạn rất hi hữu mà nghe qua ít ai lường trước được…
Suýt mất “của quý” vì… chơi dại
Ngày 18-5, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận trường hợp N.T.T (nam, 9 tuổi, nhà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhập viện với tình trạng vết thương ở vùng bìu lộ cả tinh hoàn ra ngoài. Theo người nhà kể lại, T. chơi xích đu nhưng lại tháo ghế ra khỏi xích và trèo lên tuột xuống trên sợi dây xích, không may tai nạn đã xảy ra. Sau khi nhập viện, T. đã được phẫu thuật, may mắn là cậu bé vẫn giữ được “của quý”.
ThS.BS Phạm Ngọc Thạch – Khoa Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Chấn thương kín vùng tinh hoàn ở trẻ em không phải là ít. Tuy nhiên, vết thương lộ cả tinh hoàn như trường hợp bé N.T.T thì rất hiếm gặp”. Trước đó, cũng trong tháng 5, các BS Khoa Ngoại niệu – Bệnh viện Nhi đồng 2 đã nội soi gắp dị vật ở bàng quang của bệnh nhi N.T.P (nam, 15 tuổi, nhà ở H.Củ Chi, TP.HCM). Hai ngày trước khi nhập viện, P. than đau vùng bụng dưới và khai nhận với gia đình đã tự nhét vào niệu đạo một đoạn dây điện dài. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, qua chụp X quang, các BS phát hiện dị vật rất dài nằm trọn trong bàng quang và có một đầu còn nằm lửng lơ trong niệu đạo. Ngay lập tức, P. được nội soi niệu đạo gắp dị vật ra. Kết quả, các BS gắp ra dị vật là một đoạn dây điện lõi đồng bọc nhựa dài gần 1m. May mắn là sợi dây điện không làm nút thắt nơ trong bàng quang cũng như hai đầu lõi đồng không lộ ra, nếu không sự việc sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.
Khi học sinh lớp 8… ghen
Cũng trong tháng 5, Khoa Ngoại – Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận một trường hợp bị bạn rạch mặt khá hi hữu. Đó là trường hợp của em N.N.H.N (nữ, 13 tuổi, nhà ở H.Cần Giờ, TP.HCM). Trước đó, do có tin đồn là N. thích bạn trai của mình nên B. (học cùng trường nhưng khác lớp N.) đã dùng dao rọc giấy (học sinh thường sử dụng) rạch mặt N. ngay sau giờ tan học. Vết thương nằm trên má phải của N. khá sâu và dài khoảng 15cm, gây chảy máu nhiều. Sau đó, N. đã được nhập viện cấp cứu và khâu vết thương lại.
Lúc 16 giờ 15 phút ngày 7-5, Khoa Cấp cứu Hồi sức – Bệnh viện Nhi đồng 1, tiếp nhận điều trị cho em Đ.V.Th (15 tuổi, nam, ngụ tại H.Cai Lậy, Tiền Giang). Bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện tuyến trước với chẩn đoán ngộ độc thuốc trừ sâu. Qua lời kể của người nhà thì do bị bạn gái bỏ rơi, nên Th. đã uống khoảng 100-150ml dung dịch thuốc trừ sâu hiệu clothion 55EC. Sau uống khoảng 1 giờ, em thở mệt, sùi bọt mép, chảy nhiều đàm nhớt, ngất nên được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương. Tại đây, em được rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Th. có biểu hiện diễn tiến nặng, lơ mơ mê, tím tái, thở yếu, rung giật cơ, tăng tiết đàm nhớt. Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt nội khí quản giúp thở – thở máy, tiếp tục rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính và tiêm tĩnh mạch thuốc giải độc với liều cao nhưng Th. vẫn hôn mê, suy hô hấp, da xanh tái… Em được tiếp tục rửa dạ dày nhiều lần, được tiến hành thay huyết tương và tiếp tục tiêm tĩnh mạch thuốc giải độc, bồi hoàn nước điện giải, kiểm soát đường huyết, điều chỉnh toan kiềm. Kết quả sau gần 2 tuần điều trị, bệnh nhân mới thoát khỏi bàn tay tử thần.
Theo BS. Trương Anh Mậu – Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 2: “Học sinh THCS đang ở lứa tuổi dậy thì, các em thường có khuynh hướng bộc lộ bản thân và chứng tỏ quá mức nên đôi khi dẫn đến những hành động bộc phát thiếu suy nghĩ. Vì vậy, các em rất cần sự quan tâm hơn nữa của cả cha mẹ và nhà trường nhằm tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra…”.
Kim Anh
Bình luận (0)