Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Loét dạ dày: Cần biết cách để “sống chung”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý mới có thể tránh khỏi sự hành hạ của căn bệnh này. Ảnh: T.L

Loét dạ dày là một trong những căn bệnh ngày càng có xu hướng phát triển ở nước ta. Bệnh này gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ em. Nó được xem là căn bệnh khó chữa.
Căn bệnh khó chữa
Theo BS. Trần Ngọc Lưu Phương (Phó khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – TP.HCM) thì loét dạ dày tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh trong cuộc sống hàng ngày.
BS. Lưu Phương khuyến cáo: “Tuy bệnh không không đe dọa đến tính mạng nhưng không có nghĩa là bệnh nhân  có thể chủ quan, nếu nghi ngờ mắc bệnh này thì nên đến bệnh viện để BS xét nghiệm hoặc nội soi nhằm có hướng điều trị kịp thời. Bởi loét dạ dày rất dễ gây biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa (là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện ói ra máu và đi cầu phân máu có thể máu đỏ, hoặc phân có màu đen hôi thối); thủng dạ dày tá tràng (biến chứng này phải mổ cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong); ung thư dạ dày (là một dạng ung thư rất thường gặp, chiếm vị trí hàng đầu trong các ung thư đường tiêu hóa)… Tỉ lệ mắc bệnh này trong dân số là 1-2%, trong đó tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP trong bệnh viêm loét dạ dày chiếm khoảng 65-68%”.
Nguyên nhân gây ra bệnh dạ dày là do hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc điều trị đau khớp, ăn nhiều đồ chua cay, stress lo lắng, ăn uống không điều độ, bị nhiễm vi khuẩn HP (vi khuẩn này bị nhiễm qua đường ăn uống).
Những dấu hiệu có thể gặp trong bệnh loét dạ dày là đau bụng (trên rốn), cảm giác nóng rát, ợ hơi, nôn, buồn nôn, khó tiêu; đói đau, no quá cũng đau. Trước đây, để chẩn đoán loét dạ dày, người ta thường dựa vào triệu chứng mà bệnh nhân mô tả và chụp X quang dạ dày. Hiện tại, nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất. Tuy nhiên, phương pháp này thường làm bệnh nhân khó chịu và đau nên nhiều người rất ngại khi đi nội soi dạ dày. Ưu điểm chung của các phương pháp cần phải nội soi là ngoài việc chẩn đoán được nhiễm HP còn có thể chẩn đoán được chính xác các bệnh lý ở thực quản dạ dày và tá tràng (đoạn đầu ruột). Bên cạnh đó, một số bệnh viện như Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương cũng đã thực hiện thành công việc nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ cho vi khuẩn HP.
Cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý
BS. Trần Thiện Trung, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, ăn uống có vai trò rất quan trọng đối với người bị bệnh loét dạ dày. Cụ thể là không nên ăn quá no vì sẽ làm dạ dày phồng căng, sinh ra nhiều axít có hại, dễ gây đau. Khi ăn nên nhai kỹ, nuốt chậm, vì trong khi nhai có thể tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, nước bọt có tác dụng giảm axít và bão hòa axít có trong dạ dày. Nên dùng sữa, trứng, các loại thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày như gạo nếp, bột sắn, bánh mì. Đặc biệt, uống một lượng sữa thích hợp là loại thức ăn lý tưởng cho người bị loét dạ dày.
Tránh những thức ăn có chất hóa học kích thích niêm mạc dạ dày như cà phê, trà đặc, rượu mạnh, các thức ăn cay, hay những thức ăn dễ sản sinh vị chua và hơi như khoai lang, khoai tây, bánh kẹo, đường dấm, dưa muối. Những người bị bệnh này phải giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, không nên căng thẳng, hút thuốc lá và uống rượu, như vậy mới có thể tránh khỏi sự hành hạ của căn bệnh này. Ngoài ra, việc dùng thuốc để giảm các yếu tố gây loét cũng rất quan trọng. Dùng thuốc ức chế bài tiết axít clohydric và pepsin, dùng thuốc trung hòa axít clohydric đã được bài tiết vào dạ dày – tá tràng, các thuốc bao phủ niêm mạc và băng bó ổ loét. Đặc biệt, người bệnh cần phải kết hợp với chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, stress kéo dài.
Vân Thảo

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)