Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh thường gặp mùa hè

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trẻ mắc bệnh hô hấp đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Với khí hậu nắng nóng, say nắng và viêm đường hô hấp là hai bệnh thường gặp ở mùa hè.
Có thể tử vong vì say nắng
Từ hôm được nghỉ hè đến nay, Tú Anh (học sinh lớp 3) và Thùy Anh (4 tuổi – học mầm non) ở nhà chơi với ông bà nội. Buổi trưa, hai anh em trốn ông bà ra ngoài vườn chơi. Mấy hôm trời mát thì không có chuyện gì xảy ra, nhưng khi trời nắng trở lại thì sinh chuyện. Đang đùa giỡn với anh, bé Thùy Anh chới với rồi té xuống đất… Sau đó bé được đưa tới trạm y tế phường cách nhà chỉ mấy căn. Tại đây, các BS cho biết bé bị say nắng.
Nói về bệnh say nắng, BS. Nguyên Hoa – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết:  “Khi nhiệt độ lên đến 38-39oC, cơ thể thường có các phản ứng để giảm nhiệt như: Giãn nở mạch máu để máu dồn nhiều tới da làm thoát nhiệt ra ngoài; tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi, mồ hôi bay hơi để hạ nhiệt cho cơ thể. Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định để thích ứng với môi trường xung quanh. Tuy nhiên, với người cao tuổi và trẻ em, do sức chịu đựng kém nên dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm nắng nóng. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Ở người lớn, khi bị say nắng thường sốt, chóng mặt dẫn đến ngất xỉu. Đối với trẻ em, triệu chứng thường gặp là quấy khóc, lờ đờ, biếng ăn, nóng toàn thân, đôi khi co giật, thân nhiệt lên đến 40-42oC, hoa mắt và xỉu…
Với người bị say nắng, phải nhanh chóng đưa vào chỗ râm mát, cởi bớt quần áo cho thoáng, quạt và lau mát cho nạn nhân. Cho uống nhiều nước mát, thậm chí là chườm hoặc tắm nước mát. Với trẻ em, nếu xuất hiện co giật hãy nhanh chóng hạ sốt và đưa ngay đến bệnh viện.
Phòng bệnh say nắng bằng cách cho trẻ uống thêm nhiều nước khi chơi đùa, học tập và luyện tập trong môi trường nóng bức. Tránh cho trẻ chơi đùa quá lâu ngoài trời nắng, đặc biệt là khoảng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ trưa. Cho trẻ mặc quần áo nhẹ, màu sáng, đội mũ rộng vành khi ra ngoài nắng.
Bệnh đường hô hấp từ thói quen
Chị Thùy Liên (Q.3) thắc mắc: “Mỗi khi trời nắng nóng là sau hai ba ngày con tôi lại bị sốt, ho. Từ khi thằng bé 1 tuổi, đến nay đã gần 6 tuổi rồi mà cái bệnh trời nắng nóng là sốt và ho vẫn không dứt. Hồi nhỏ, tôi nghĩ bé còn yếu nên dễ bệnh. Nay đã lớn rồi, chuẩn bị vào lớp 1 mà vẫn bệnh”. Chị cũng thừa nhận là, trong gia đình ai cũng có thói quen bật quạt số lớn cho mát. Nhất là buổi tối, lúc nào chị cũng hướng quạt thốc thẳng vào người…
Theo BS. Trần Tuấn Anh – Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 thì chính thói quen này của gia đình chị đã gây bệnh cho bé. “Khi thời tiết nắng nóng, mọi người thường có thói quen bật quạt lớn. Theo đó, vùng hầu họng bị khô dẫn đến các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập gây bệnh. Đối với trẻ em, triệu chứng thường gặp là chảy nước mũi, ho, sốt, thở khò khè, đau họng, viêm đường hô hấp trên…”. Với người lớn làm việc trong văn phòng, do ngồi lâu ở phòng máy lạnh, khi ra ngoài nắng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột cũng rất dễ gây viêm mũi họng, viêm xoang.
Khi bị bệnh cần làm ẩm đường hô hấp bằng nước muối sinh lý dạng nhỏ vào mũi hay chai xịt. Nếu trẻ viêm đường hô hấp trên nên cho mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, làm thông thoáng đường thở bằng cách lau sạch hoặc hút mũi cho trẻ. Nếu trẻ ho nhiều, kèm sốt hoặc khó thở, biếng ăn nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Bài, ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)