Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Công tác xã hội là một tiêu chí để tuyển sinh và xét tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ tích lũy đủ số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc theo chuẩn đầu ra, sinh viên một số trường ĐH còn cần hoàn thành số ngày công tác xã hội mới đủ điều kiện được xét và công nhận tốt nghiệp.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng quy định bắt buộc sinh viên (SV) tham gia công tác xã hội. Quy định này được ban hành từ năm 2008 và bắt đầu áp dụng cho SV từ khóa 2007. Theo đó, việc đạt đủ ngày công tác xã hội là một trong những tiêu chí quan trọng để SV được đăng ký luận văn và xét tốt nghiệp.

Cụ thể, SV trường này cần tích lũy ít nhất 10 ngày công tác xã hội để được đăng ký luận văn tốt nghiệp và ít nhất 15 ngày để được xét tốt nghiệp. Số ngày này được tính sau khi tham gia hoặc phối hợp tổ chức các chiến dịch tình nguyện, hoạt động SV do Đoàn – Hội hoặc ban tổ chức khác quy định. Ví dụ, SV tham gia hiến máu tình nguyện và có giấy xác nhận được trường công nhận 1 ngày công tác xã hội.

Công tác xã hội là một tiêu chí để tuyển sinh và xét tốt nghiệp  - Ảnh 1.

Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM xây đường nông thôn ở xã Phú Hiệp, H.Tam Nông, Đồng Tháp. TRẦN NGỌC

Trường ĐH Đồng Tháp cũng có quy định chuẩn tham gia công tác xã hội từ khóa tuyển sinh 2014. Một hoạt động xã hội tương đương 8 giờ được quy đổi thành ngày công tác xã hội. Trường cấp giấy chứng nhận cho người học sau khi hoàn thành chuẩn tham gia công tác xã hội. Với bậc ĐH, SV cần có tối thiểu 8 ngày tham gia hoạt động này và bậc CĐ tối thiểu 6 ngày. Đến thời điểm xét tốt nghiệp, nếu SV chưa hoàn thành đủ số ngày công tác xã hội quy đổi thì chưa được xét công nhận tốt nghiệp.

Năm 2020, Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có quy định chuẩn tham gia công tác xã hội với SV chính quy tập trung. SV cần tích lũy tối thiểu 150 điểm tương đương 15 ngày công tác xã hội trong toàn khóa học để được xét tốt nghiệp.

Từ năm 2021, Học viện Chính sách và phát triển cũng ban hành quy định tham gia công tác xã hội với SV chính quy, là một trong những chuẩn để được xét công nhận tốt nghiệp. SV học viện này phải tích lũy tối thiểu 150 điểm tương đương 15 ngày công tác xã hội trong toàn khóa. Học viện cũng đưa ra lộ trình thực hiện qua từng năm: năm nhất 1 ngày tham gia, năm thứ 2 và 3 mỗi năm 6 ngày và năm cuối 2 ngày. Theo quy định của Học viện Chính sách và phát triển, SV chưa hoàn thành số ngày công tác xã hội của học kỳ sẽ bị trừ điểm rèn luyện từng học kỳ. SV năm cuối chưa hoàn thành đủ số ngày tham gia trong toàn khóa học sẽ không đủ điều kiện để nhận hồ sơ tốt nghiệp. Học viện sẽ tạm giữ hồ sơ SV cho đến khi tích lũy đủ số ngày theo quy định.

Tuy nhiên, các trường đều có quy định trong trường hợp vì lý do sức khỏe dẫn đến khó khăn hoặc không thể tham gia các hoạt động công tác xã hội, SV được xem xét miễn giảm tham gia hoạt động này.

Công tác xã hội là một tiêu chí để tuyển sinh và xét tốt nghiệp - Ảnh 2.

Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp trong hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. C.D

Được ưu tiên trong tuyển sinh đầu vào

Không chỉ đầu ra, vài năm gần đây một số trường còn ưu tiên cho thí sinh tham gia tích cực công tác xã hội trong tuyển sinh đầu vào. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện ưu tiên xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT với thí sinh có thành tích xuất sắc, đặc biệt nổi bật trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao. Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) thì dành tới 90% chỉ tiêu phương thức xét tuyển tổng hợp, trong đó một tiêu chí của tổng điểm xét tuyển đến từ hoạt động xã hội và văn thể mỹ.

Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng Bộ GD-ĐT đã có yêu cầu về việc đào tạo SV toàn diện, bên cạnh kiến thức và kỹ năng thì cần hướng sinh viên có ý thức cộng đồng và đóng góp cho xã hội. Trường ĐH Bách khoa cụ thể việc này bằng cách xây dựng quy định về ngày công tác xã hội và SV được đánh giá trách nhiệm cộng đồng bằng điểm rèn luyện và 15 ngày công tác xã hội.

"Nhưng không chỉ đầu ra, nhà trường còn mong muốn tuyển được các thí sinh có năng lực toàn diện để thích hợp với chủ trương đào tạo ra một kỹ sư giỏi, một công dân tốt. Vì vậy, trường cần tuyển lựa được những người học có năng lực, tố chất phù hợp để thực hiện điều này. Do đó, phần nào cũng có sự liên quan giữa đầu vào và đầu ra trong phương diện đánh giá người học dựa trên ý thức cộng đồng và năng lực toàn diện", tiến sĩ Phúc cho hay.

Tiến sĩ Cao Dao Thép, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết khảo sát nhanh kết quả sau nhiều năm áp dụng quy định về chuẩn công tác xã hội, đa số SV của trường khi tốt nghiệp đều thích ứng rất nhanh với môi trường sống và yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, thể hiện sự tự tin về kỹ năng và có tinh thần trách nhiệm cao, khả năng kết nối và sẻ chia tốt hơn.

Quy định của các trường dựa trên cơ sở pháp lý nào ?

Theo luật Giáo dục ĐH năm 2012 và luật Giáo dục ĐH mới 2018, quy định nhiệm vụ và quyền của người học có: "Tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, trật tự, phòng, chống tiêu cực, gian lận trong hoạt động học tập và thi cử, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội". Quy chế công tác sinh viên với chương trình đào tạo ĐH hệ chính quy của Bộ GD-ĐT năm 2016 cũng quy định nhiệm vụ SV: "Tham gia lao động công ích, hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội vì cộng đồng phù hợp với năng lực và sức khỏe theo yêu cầu của cơ sở giáo dục ĐH".

Những hoạt động được tính tham gia công tác xã hội

Tham gia các hoạt động công ích phục vụ nhu cầu cấp thiết của xã hội; Tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng: chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện; chiến dịch Xuân tình nguyện; chương trình Tiếp sức mùa thi; Tiếp sức tân sinh viên; chương trình Tư vấn tuyển sinh; hiến máu tình nguyện; các hoạt động bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu, thiên tai, địch họa; các hoạt động tình nguyện gắn với chuyên ngành đào tạo; các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch bệnh; chăm lo cho các đối tượng chính sách, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh nhân nghèo/neo đơn đang điều trị tại các bệnh viện, trung tâm nuôi dưỡng người già/trẻ em hay tại nhà; tham gia trực tiếp các hoạt động cứu trợ thiên tai, vận động quyên góp giúp đồng bào vùng thiên tai, giúp đỡ phương tiện cho trẻ em nghèo, các trường vùng sâu vùng xa có điều kiện học tập tốt hơn…

Nước ngoài yêu cầu từ bậc phổ thông

Bà Trịnh Quang Đồng Thảo, thành viên HĐQT Trường tiểu học – THCS – THPT quốc tế Canada tại Lào Cai, từng tốt nghiệp và hiện làm việc cùng hệ thống giáo dục Canada cho biết: chương trình phổ thông của các tỉnh bang tại Canada đều yêu cầu học sinh trung học muốn tốt nghiệp đều phải có số giờ hoặc môn học Community Service/ Work Experience (phục vụ cộng đồng hoặc kinh nghiệm làm việc) và ngay cả học sinh học chương trình Tú tài quốc tế IB cũng cần lấy điểm CAS (Sáng tạo – Hoạt động – Phục vụ) để đủ điều kiện tốt nghiệp. Dù với quy định dưới hình thức này hay hình thức khác thì đều đòi hỏi học sinh ở cấp trung học phải tham gia các hoạt động phụng sự xã hội có tính cống hiến, tự nguyện hoặc tiếp cận thực tế đến thị trường lao động.

Theo Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)