Những khó khăn trong thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới một lần nữa được giáo viên, các nhà quản lý giáo dục đề cập lại; trong đó tiếp tục nổi bật là vấn đề thiếu hụt đội ngũ giáo viên.
Hội thảo khoa học “Thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các trường THPT” tuần qua được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức với sự tham dự của đại diện nhiều trường THPT, sở GD-ĐT.
Thầy và trò đều gặp khó
Qua khảo sát hơn 1.500 học sinh và 350 giáo viên lớp 10 trong phạm vi một số trường THPT khu vực TP.HCM, bà Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) cho hay, dù Chương trình giáo dục phổ thông mới đem lại những dấu ấn tích cực tuy nhiên triển khai trên thực tế, cả giáo viên lẫn người học đều gặp không ít trở ngại.
Cụ thể, học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 là lứa đầu tiên thực hiện Chương trình phổ thông 2018 ở cấp THPT nên phải đối mặt với khá nhiều thách thức, khó khăn khi chuyển đổi cách học, cách tiếp thu, xử lý và vận dụng kiến thức do đã quá quen với 9 năm học theo chương trình cũ. Thêm vào đó, các em còn trải qua hai năm chung sống với đại dịch Covid-19 cũng phần nào làm giảm khả năng thích ứng với chương trình mới. Khảo sát cho thấy 55,8% học sinh cho rằng việc hiểu bài còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, do quá trình đổi mới dạy – học chưa được tương thích với quá trình kiểm tra đánh giá làm cho học sinh khối 10 gặp khó với các bài đánh giá thường xuyên và định kỳ. Nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xây dựng với khối lượng kiến thức được tinh giản, thiết thực, khơi nguồn sáng tạo, có tính vận dụng thực tiễn cao. Đơn cử trong môn toán lớp 10, hầu hết các chương, bài dạy có tới 60% bài tập đề nghị có nội dung thực tiễn, tuy nhiên tiếp cận những chủ đề này trong thời lượng ngắn gây khá nhiều khó khăn cho học sinh. Thêm vào đó, một số bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ còn nặng tính hàn lâm, chưa có sự tương thích một cách bài bản giữa học và thi.
Đại biểu trao đổi ý kiến tại hội thảo
Khảo sát cũng chỉ ra, có khoảng 35% giáo viên gặp nhiều và rất nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Khoảng 60% thầy cô giáo cho rằng họ chỉ gặp một vài khó khăn. Những khó khăn này nằm ở chỗ phân phối giảng dạy theo khung chương trình còn ngắn, thời lượng ít trong khi nội dung cần truyền tải khá nhiều dẫn tới việc các thầy cô buộc phải dạy nhanh để theo kịp. Hệ quả của việc này làm ảnh hưởng tới khả năng tiếp thu bài của học sinh. Điều đáng nói, giáo viên rất mong muốn sử dụng các phương thức, phương tiện dạy học tích cực, tuy nhiên do thời gian không cho phép và để đảm bảo kiến thức cho học trò, họ lại chọn cách truyền tải một chiều như trước đây.
Bên cạnh đó, 43,6% giáo viên cho rằng mình gặp một vài rào cản khi sách giáo khoa mới chưa đáp ứng đủ hoặc quá nặng về mặt kiến thức và vận dụng. Một số giáo viên vẫn chịu ảnh hưởng thói quen cũ, xem sách giáo khoa là pháp lệnh và lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa mà không quan tâm nhiều đến khung chương trình của bộ môn.
“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tăng cường phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh thay vì chỉ trang bị, phát triển kiến thức. Khảo sát giáo viên giảng dạy lớp 10 cho thấy, hơn 70% giáo viên cho rằng học sinh đã có sự chủ động, tích cực tìm hiểu kiến thức khi tham gia học tập. Điều này là minh chứng cụ thể cho tính ưu việt của Chương trình giáo dục phổ thông mới – lấy học sinh làm trọng tâm, tập trung phát triển cả năng lực và phẩm chất của học sinh”, bà Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)”. |
Đồng thời, giáo viên phải đối mặt với những áp lực về kết quả giáo dục do mối tương quan giữa việc dạy học và kiểm tra đánh giá chưa thực sự tương thích. Không chỉ học sinh, đôi khi chính các thầy cô giáo mơ hồ, hoang mang mỗi khi ra đề và làm đề thi theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thiết kế thêm hai môn học bắt buộc hoàn toàn mới là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và chương trình giáo dục địa phương. Phân công giảng dạy các môn học này đều là những giáo viên có chuyên môn khác, do vậy, bước đầu họ gặp một số trở ngại.
Ông Phan Đoàn Thái (Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận) chỉ ra thêm, khó khăn nhất hiện nay ở địa phương là tất cả các trường THPT công lập trong tỉnh đều chưa có giáo viên âm nhạc và giáo viên mỹ thuật. Toàn tỉnh chỉ có Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo có 1 giáo viên âm nhạc. Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, thiếu ổn định, nội dung giáo dục địa phương gặp nhiều khó khăn do người dạy phải dạy kiêm nhiệm môn học mới mà chưa được đào tạo chính quy, bài bản về lĩnh vực mới này.
Theo ông Thái, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng việc kiểm tra đánh giá và điều này là thách thức không nhỏ với nhiều nhà giáo, nhất là các thầy cô lớn tuổi. Công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới cũng có những khó khăn nhất định về kinh phí tập huấn, thời gian tổ chức, địa điểm học tập… làm cho kết quả bồi dưỡng thời gian qua chưa đạt như mong muốn. Chưa kể, nhiều học sinh còn lựa chọn tổ hợp môn học theo cảm tính, tạo ra sự mất cân đối về phía nguồn lực giáo viên từng trường THPT trong toàn tỉnh. Tình trạng thừa – thiếu giáo viên bộ môn cục bộ xảy ra khi học sinh thiên về tổ hợp khoa học xã hội.
Củng cố đội ngũ giáo viên
Để khắc phục những khó khăn trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Phan Đoàn Thái cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Bởi đây là nguồn lực tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới giáo dục. Việc trang bị kiến thức, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên cần được chú trọng đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên. Bản thân mỗi giáo viên cần chủ động bám sát mục tiêu chương trình để xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp; tiếp cận phương tiện, hình thức, công cụ dạy học hiện đại; khai thác nguồn học liệu số hiệu quả nhằm phát huy tối đa năng lực tự chủ của người học.
Ông Nguyễn Minh Chí (Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học – Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT Bến Tre) đưa giải pháp để giáo viên dạy liên trường nhằm phát huy hết nguồn lực hiện có, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình mới. Theo ông Chí, Bến Tre đã thực hiện được điều này và bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Còn bà Bùi Minh Tâm cho rằng cần tổ chức thường xuyên và hiệu quả các lớp tập huấn, hội thảo, chia sẻ, hướng dẫn thực hiện những phương pháp dạy học phát triển năng lực, những kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu khoa học để giáo viên được học hỏi, trau dồi, phát triển bản thân. Bà Tâm cũng đề xuất việc xây dựng chiến dịch “Mùa hè học hỏi” dành cho cán bộ, giáo viên; phát động phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, chuẩn bị sẵn sàng một phiên bản giáo viên đổi mới, sáng tạo nhằm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Mê Tâm
Bình luận (0)