Nên tập cho trẻ chơi thể thao để tránh nguy cơ bị béo phì. Anh: T.G |
Theo BS. Phạm Khắc Trí, ngoài những nguyên nhân đặc biệt do di truyền, đa số trẻ bị béo phì do thực đơn hàng ngày của các bà mẹ, bà nội, bà ngoại – những người trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ trong gia đình. Nghe có vẻ… oan ức quá nhưng đó lại là sự thật.
Ăn nhiều sẽ có sức khỏe?
Bé Minh 8 tuổi, đang học lớp 3, mỗi ngày ngoài ba bữa ăn chính thì chị Lan (mẹ bé) vẫn còn cho bé uống thêm hai cữ sữa bột sáng và chiều, mỗi lần khoảng 250ml. Chưa kể khi vào trường, chị Lan còn bỏ vào cặp con một chiếc bánh mì ngọt hay bánh bông lan – món khoái khẩu của bé Minh. Đi học về là chị Lan bồi dưỡng ngay cho con một ly chè sen hay một trứng gà ngâm mật ong. Trước khi ngủ, cu cậu còn phải dằn bụng thêm một món gì đó. Thật ra, Minh cũng không hứng thú với việc ăn uống quá nhiều như thế. Nhưng bị mẹ thuyết phục, dỗ dành: “Ăn nhiều mới có sức mà đá bóng, mới trở thành cầu thủ nổi tiếng như con thích được chứ”. Nghe vậy, cu cậu vui vẻ ăn ngay.
BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM phân tích, các bà mẹ không biết rằng, bé cần được cung cấp đầy đủ các chất tinh bột, rau xanh, đạm trong thịt cá, các chất canxi có trong tôm cua, các chế phẩm từ sữa, nhưng chỉ cần ăn dư 60-70 kcal mỗi ngày là trẻ sẽ bị thừa cân ngay. Lượng kcal này tương đương với một chai nước ngọt nhỏ hoặc 5-7 viên kẹo hay một muỗng canh sữa đặc có đường, một cái bánh ngọt nhỏ, những thứ tưởng chừng ít có tác hại nên các bà mẹ thường không để ý. Ai cũng cho rằng, các thức ăn giàu năng lượng như món chiên xào, khoai tây nghiền bơ, cá thịt trứng rất cần cho trẻ nhưng hiếm bà mẹ nào tìm hiểu là trẻ cần bao nhiêu thì vừa. Ăn vặt cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì cho trẻ, phổ biến nhất là nước ngọt, bánh snack, sinh tố bịch, kẹo, mứt, sôcôla… Các món ăn vặt không làm những bé thừa cân giảm đi lượng thức ăn trong bữa chính nên trẻ càng mập. Ngược lại, trẻ suy dinh dưỡng hay ăn vặt thì lại thấy no ngang trong bữa chính nên trẻ không ăn được và ngày càng gầy ốm hơn. Ăn vặt hoàn toàn không phải là ăn bữa phụ. Nhiều bà mẹ lầm lẫn hai khái nhiệm này với nhau. Nếu bữa ăn phụ là bữa ăn bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho trẻ, cách bữa chính khoảng 2 giờ thì ăn vặt là ăn bất cứ lúc nào trẻ thích. Bữa ăn phụ rất cần cho trẻ vì chúng hay hoạt động, đang tăng trưởng. Nếu bữa ăn phụ của trẻ suy dinh dưỡng cần nhiều đạm, tinh bột như bánh giò, bánh bông lan, bánh bao… thì với trẻ đủ cân hoặc thừa cân, bữa ăn phụ chỉ nên là một quả táo, quả mận hay sữa chua, sữa không béo, tức là chỉ có khoáng chất, nước, vitamin… Bên cạnh việc ăn nhiều, việc ít hoạt động cũng làm cho trẻ bị dư cân.
Để trẻ không bị béo phì
BS. Phạm Khắc Trí cho biết, béo phì là nguyên nhân gây ra rất nhiều chứng bệnh khó trị, đồng thời cũng làm cho trẻ vụng về trong sinh hoạt. Ngoài ra, việc bị phân biệt đối xử do béo cũng gây ức chế tâm lý, trẻ thiếu tự tin, mặc cảm, ngại giao tiếp… và ngày càng béo thêm vì cuộc sống khép kín và ít vận động. Để trẻ khỏi béo phì, các bậc phụ huynh cần kiên nhẫn và kết hợp một cách khoa học những thực đơn sao cho vừa đúng nguyên tắc, vừa gắn với chế độ ăn và sở thích của trẻ mới làm cho trẻ chấp nhận thực đơn một cách vui vẻ. Phải giảm các thức ăn mà trẻ thích một cách từ từ hoặc thay thế bằng các thức ăn năng lượng thấp chứ không thể bắt trẻ ngưng ngay một cách đột ngột. Bởi nếu không cho trẻ ăn, rồi sau đó lại cho trẻ ăn bù thì lượng mỡ tích tụ sẽ tăng hơn nhiều.
Mặt khác, các bậc cha mẹ cũng nên nhớ, trẻ ăn ít nhưng ít vận động thì hiệu quả giảm cân cũng không cao. Nên tạo hứng thú để trẻ tự giác giúp việc nhà, tạo điều kiện cho trẻ đi bộ, chạy nhảy càng nhiều càng tốt…
Hữu Tài
Bình luận (0)