Với danh hiệu “Tài tử nhí”, Nguyễn Trương Thế Thanh sinh năm 2002, cựu học sinh Trường THPT Bình Chánh, TP.HCM đã từng bước khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng khán giả với hàng loạt các giải thưởng về đờn ca tài tử Nam bộ. Thế Thanh đại diện cho thế hệ trẻ gen Z bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Tài tử nhí” Thế Thanh và NS Kim Tử Long
Cậu bé nghèo mê đờn ca tài tử
Còn nhớ “Đêm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ” được vinh danh di sản phi vật thể đại diện của nhân loại tại Hội trường Thống Nhất năm 2013, hàng ngàn khán giả mộ điệu tại TP.HCM đã rất ngạc nhiên, thích thú khi được thưởng thức giọng ca của “Tài tử nhí” Nguyễn Trương Thế Thanh. Những tiếng vỗ tay không ngớt khi cậu bé vừa xuống câu vọng cổ với chất giọng rất ngọt, vững nhịp và chắc chữ. Nhiều nghệ sĩ gạo cội lúc đó đã nhận xét rằng ở độ tuổi của Thế Thanh, không phải ai cũng cảm nhận sâu sắc vần điệu ca từ để có thể truyền tải một cách mùi mẫn và ngọt ngào như vậy.
Gặp lại “Tài tử nhí” Nguyễn Trương Thế Thanh với vai trò thí sinh tại Hội thi vọng cổ Bông lúa vàng do Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) tổ chức mới đây, giám khảo – NS Thanh Hằng thật sự bất ngờ trước một Thế Thanh trưởng thành hơn rất nhiều từ giọng hát đến ngoại hình. Được biết, Thế Thanh vừa tốt nghiệp khóa đào tạo nghệ sĩ cải lương của Nhà hát Trần Hữu Trang và chuẩn bị thi vào Khoa Đạo diễn Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại không trọn vẹn khi bố mẹ chia tay lúc Thế Thanh còn nhỏ. Thế nhưng, cậu bé đã tự thân phấn đấu và đạt nhiều thành tích trong học tập cũng như niềm đam mê đờn ca tài tử của mình khi về sống với cô út Nguyễn Ngọc Thúy trong căn phòng trọ nhỏ ở Bình Chánh, TP.HCM.
“Gia đình tôi không có ai theo bộ môn nghệ thuật nhưng lúc Thế Thanh còn bé, tôi thường hát ru cháu bằng những điệu hò, câu vọng cổ. Có lẽ nhờ đó mà tình yêu của cháu dành cho đờn ca tài tử ngày một lớn dần. Năm lên 6 tuổi, tôi phát hiện cháu có năng khiếu đam mê với các bài bản vọng cổ từ chiếc radio cũ của nhà. Mỗi khi tôi bật karaoke, cháu cứ chọn hát thể loại đờn ca tài tử dù chưa hề biết nhịp nhàng như thế nào” – chị Ngọc Thúy bật mí.
“Tài tử nhí” Thế Thanh hiện nay
Dù hoàn cảnh khá khó khăn nhưng từ khi phát hiện ra năng khiếu bẩm sinh của Thế Thanh, cô út đã cho em đi học đờn ca tài tử. Trước niềm đam mê của cậu bé nhỏ tuổi với bộ môn nghệ thuật truyền thống, thầy Tư Hồng – một nghệ sĩ đờn ca có kinh nghiệm trong xã đã nhận em làm học trò và dạy miễn phí.
“Khi được thầy Tư Hồng nhận làm học trò em bất ngờ lắm, những ngày trong tuần em đi học văn hóa, cuối tuần em lại sang nhà thầy học đờn ca tài tử. Cùng với việc dạy kỹ thuật lên xuống giọng, thầy Tư Hồng còn dạy em các khái niệm cơ bản trong nghệ thuật đờn ca tài tử. Để hát thật tốt các bài ca cổ, trước khi tập bài hát nào em đều tìm hiểu thật kỹ ca từ và nội dung rồi sau đó mới hát…”, Thế Thanh cho biết.
Danh hiệu “Tài tử nhí” và thuộc 20 bài tổ nhạc tài tử
Thuộc thế hệ gen Z nhưng Thế Thanh có một niềm đam mê cháy bỏng là được hòa mình cùng với âm nhạc dân tộc. Em mong muốn góp một phần công sức của mình trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại quả thật đáng trân trọng. |
Sau khi được thầy Tư Hồng rèn giũa, giọng ca của Thế Thanh trở nên ngọt ngào hơn bởi cậu bé đã biết cách xử lý từng câu hát, cách lấy hơi, nhả chữ. Trước khả năng của cháu, cô út đã mạnh dạn đăng ký cho Thế Thanh tham gia các liên hoan đờn ca tài tử. Ngay lần đầu tiên tham dự cuộc thi “Liên hoan đờn ca tài tử các xã nông thôn mới” cấp thành phố tổ chức tại huyện Bình Chánh, Thế Thanh đã giành giải nhất đơn ca và là tài tử nhỏ tuổi nhất. Sau đó, Thế Thanh tham dự “Liên hoan đờn ca tài tử TP.HCM” 2013 đoạt giải Hoa sen vàng và được trao tặng danh hiệu “Tài tử nhí”. Bên cạnh đó, cậu bé được chọn vào Đoàn đờn ca tài tử của TP.HCM tham dự cuộc thi cấp quốc gia lần thứ nhất ở Bạc Liêu. Với bản ca “Hồn thiêng sông núi – điệu ngũ đối hạ”, em đã xuất sắc mang về tấm huy chương bạc.
Ngoài ra, Thế Thanh còn giành được nhiều giải thưởng khác như: Tài tử trẻ nhất Liên hoan Bông sen vàng, huy chương vàng Liên hoan Đờn ca tài tử các xã nông thôn mới huyện Củ Chi… Với số lượng thành tích “khủng” khi mới 12 tuổi, Nguyễn Trương Thế Thanh được Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM tặng giấy khen, được tuyên dương Sáng tạo trẻ TP.HCM và lọt vào top 10 ứng viên Công dân trẻ tiêu biểu của thành phố năm 2014, đồng thời được nhận học bổng 12 triệu đồng từ Quỹ bảo trợ tài năng trẻ.
“Tài tử nhí” Thế Thanh trong cuộc thi “Thử tài siêu nhí” 2016
Đặc biệt, dù Thế Thanh rất mê ca hát nhưng chưa bao giờ bỏ bê chuyện học tập, 12 năm học, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường.
Thế Thanh cho biết: “Em rất quý danh hiệu “Tài tử nhí” vì đó không phải là do ai đặt cho em mà là em đã chiến thắng trong giải Hoa sen vàng 2013. Từ lúc đạt được danh hiệu ấy, em cảm thấy mình như có thêm đôi cánh để bay cao hơn…”.
Hiện tại, Thế Thanh đã thuộc gần hết 20 bài bản tổ của nhạc tài tử Việt Nam.
Sau khi tham gia chương trình Giọng hát Việt nhí 2015 được khán giả rất yêu mến, Thế Thanh tiếp tục để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả qua cuộc thi “Thử tài siêu nhí” 2016. Thế Thanh bày tỏ: “Em thích trở thành nghệ sĩ hát nhạc tài tử, cải lương bởi đây là môn nghệ thuật truyền thống rất hay của dân tộc, nếu để nó mai một thì không hay chút nào. Em biết cải lương và đờn ca tài tử không được ưa chuộng nhiều bằng nhạc trẻ nhưng vì em quá đam mê và rất hâm mộ những nghệ sĩ Kim Tử Long, Võ Minh Lâm, Lê Tứ và các nghệ sĩ trưởng thành từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ… Em hy vọng, mình có đủ điều kiện để gắn bó lâu dài cùng nghiệp hát”.
Song Minh
Bình luận (0)