Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chữa chứng đái dầm cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Người lớn nên tránh làm cho trẻ mắc chứng đái dầm quá căng thẳng, sợ sệt khiến kéo dài thêm thời gian chữa trị. Ảnh: M.H
Khi lên 4-5 tuổi, trẻ bắt đầu có ý thức trong việc tiểu tiện để giữ sạch cơ thể và quần áo kể cả lúc đi ngủ. Tuy nhiên, có một số bé do không làm chủ được bản thân đã sinh ra chứng đái dầm.
Đái dầm là chuyện của trẻ nhưng đã gây ra nhiều nỗi khổ cho các bậc phụ huynh.
Chứng nào tật nấy
Được mẹ và bà ngoại chăm sóc đầy đủ nên cu Bin – con trai út của chị Lê Thị Th. nhà ở đường Tân Sơn, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM rất bụ bẫm và ít bệnh tật hơn chị gái. Hiện đã hơn 7 tuổi, năm nay vào học lớp 2 nhưng cu cậu lại mắc chứng đái dầm.
Sáng nào cũng vậy, cứ thức dậy là vợ chồng chị ngửi thấy mùi khai và biết chắc cậu quý tử đêm qua đi tiểu ngay trên… giường. Chị so sánh 2 đứa con mình: “Trước đây đứa con gái lớn khi 3 tuổi đã biết tự vệ sinh và rất ít đái dầm ban đêm, thế nhưng đến cu Bin thì lại khác. Hơn 4 tuổi mà đêm nào cũng đái ra giường ướt cả quần áo và mền gối”. Cũng như nhiều bà mẹ nuôi con, chị Th. nghĩ lúc bé đứa trẻ nào mà không mắc tật đái dầm, đến 3-4 tuổi thì sẽ hết nhưng đối với cậu con út vẫn “chứng nào tật nấy”. Nhiều năm bất đắc dĩ “sống chung” với nước tiểu của cậu con trai vào nửa đêm về sáng nên chị cũng coi đó là chuyện bình thường. Nhưng đến sáng mai nỗi khổ mới bắt đầu đè nặng lên vai người mẹ khi phải thay hết quần áo và cả chăn gối để đem ra giặt hoặc phơi nắng cho khô nếu bận.
Có thể nói, chứng đái dầm là hiện tượng thường thấy ở bất kỳ một trẻ nhỏ nào. Chứng bệnh này thường xảy ra vào ban đêm do rối loạn về thói quen. Khi vào độ tuổi lên 3 lên 4 trẻ bắt đầu biết giữ cơ thể khô ráo nên có ý thức hơn trong việc tiểu tiện cả ban ngày lẫn về đêm. Tuy nhiên, có một số bé ở độ tuổi lớn hơn vẫn không kiểm soát được chuyện tiểu tiện vào ban đêm nên sinh ra tật đái dầm. Về mặt khoa học, theo nguyên lý thì khi bàng quang đã đầy nước tiểu mà bệnh nhân không muốn thức giấc hoặc tỉnh dậy không được sẽ dẫn đến chuyện “xả nước” ngoài ý muốn. BS. Đỗ Châu Việt – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, chứng đái dầm ở trẻ con thường có 2 loại: Đái dầm tiên phát và đái dầm thứ phát. Nếu đái dầm tiên phát là hiện tượng trẻ đái dầm liên tục từ nhỏ đến lớn thì đái dầm thứ phát là hiện tượng đái dầm bị ngắt quãng, có khi bị khi không. Một số thiếu niên trước độ tuổi dậy thì cũng mắc chứng đái dầm nhưng số bệnh nhân này rất ít, hầu như không phổ biến. Người ta thường cho rằng, do đứa trẻ ngủ say nên không làm chủ được tiểu tiện nhưng thực ra không phải vì chứng đái dầm không liên quan đến giấc ngủ. Nguyên nhân chứng đái dầm đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng, nhưng chủ yếu là do trục trặc về thể chất như bàng quang quá nhỏ hoặc có dị tật bẩm sinh. Bên cạnh đó, cơ ống dẫn nước tiểu hoặc cơ bàng quang thiếu kiểm soát kịp thời cũng là một “chất xúc tác” sinh ra hiện tượng tiểu đêm thiếu kiểm soát.
Đừng để trẻ lo lắng, sợ sệt
Theo BS. Đỗ Châu Việt thì những đứa trẻ thiếu ổn định về mặt tâm lý như hay bị bố mẹ la mắng, bạn bè bắt nạt và “sống trong sợ hãi” quá nhiều thường bị “rò rỉ về đường ống” lúc ngủ say. Đái dầm cũng được “cha truyền con nối” do nguyên nhân di truyền như một vài căn bệnh khác. Khi trở thành “nạn nhân” của chứng đái dầm, trẻ hay bị cha mẹ trách móc, bạn bè chế giễu, điều này càng làm cho trẻ thiếu làm chủ bản thân trong việc khắc phục “tội lỗi”.
Khi trẻ mắc chứng đái dầm, cha mẹ đừng quá lo lắng và không nên “quan tâm” bằng những lời cằn nhằn hay châm chọc mà phải tìm cách thay đổi một số thói quen sinh hoạt của đứa trẻ như: Hạn chế uống nước trước khi đi ngủ, nửa đêm đánh thức trẻ dậy đi tiểu để ngăn chặn tình trạng đi tiểu vô thức. Cũng theo BS. Việt thì người lớn nên tránh làm cho trẻ quá căng thẳng, sợ sệt khiến kéo dài thêm thời gian chữa trị. Không phải đứa trẻ nào đái dầm cũng được điều trị bằng thuốc tây vì thuốc chữa đái dầm có nhiều loại và cách chữa trị cũng phức tạp nên cần phải tùy theo từng trường hợp mà cho toa khác nhau.
Hương Thủy
Có nhiều loại thuốc chữa đái dầm
Hiện nay tại các nhà thuốc, ngoài thảo dược chữa đái dầm Dạ Minh Châu giá 49.000 đồng/ hộp, các phụ huynh còn có thể sử dụng thực phẩm chức năng Đức Thịnh giá 75.000 đồng/ hộp cho trẻ em và người lớn. Các loại thuốc này đều uống ngày 3 lần nhưng chống chỉ định với phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh. Nếu có toa của BS thì bệnh nhân được uống thuốc Driptane 5mg có dạng hộp 2 vỉ x 30 viên nén giá 5.000 đồng/ viên. Tuy nhiên, loại thuốc này thường có tác dụng phụ như rối loạn thị giác, ảo giác và gây nhịp tim nhanh. Theo chỉ định, liều đầu bệnh nhân chỉ được uống 1/2 viên/ lần, sau đó tăng dần theo đáp ứng lâm sàng và dung nạp của người bệnh. Đây cũng là loại thuốc chống chỉ định trẻ em dưới 5 tuổi nên các bà mẹ cần lưu ý, không nên sử dụng tùy tiện để gây hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, trong kinh nghiệm dân gian còn có nhiều loại thuốc đông dược có tác dụng tốt chữa chứng đái dầm như củ mài, bao tử lợn, rau ngót… Ngoài ra, các bà mẹ nên tập thói quen cho trẻ tiểu tiện đúng giờ, buổi tối đừng để trẻ mệt quá sức, ăn nhiều canh và uống nhiều nước.
BS. Lương Thị Diệp
(Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức) TP.HCM
 
 

Bình luận (0)