Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nghỉ học vì đau mắt đỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân ngồi chờ khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM (ảnh chụp sáng 12-9)
Những ngày này, Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Mắt TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải bởi số bệnh nhân bị đau mắt đỏ (ĐMĐ) tới khám tăng vọt. BS. Phạm Nguyên Huân – Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết: “Trong tháng 6 chỉ có 727 lượt bệnh nhân tới khám, tháng 7 và tháng 8 đã tăng gần gấp đôi. Riêng 10 ngày đầu tháng 9 (từ ngày 1 đến ngày 11) là 545 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị…”.
“Bủa vây” trường học
Sau giờ ăn trưa ngày 11-9, thấy mắt của em Nguyễn Thành L. (HS lớp 2 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Q.Gò Vấp) hơi đỏ, cô giáo chủ nhiệm vội gọi điện cho phụ huynh tới đón em về. “Khi đón cháu ở trường về mới chỉ có một mắt đỏ nhưng vài tiếng sau là đỏ cả hai mắt. Đến tối thì hai mắt bắt đầu sưng nên ngay từ sáng sớm ngày 12-9, hai mẹ con tôi đã vội vã tới Bệnh viện Mắt để khám”, chị Lê Phước Nguyên Thảo (P.16, Q.Gò Vấp) cho biết.
Tại phòng khám số 12, sau khám, BS cho biết hai mẹ con chị cùng mắc bệnh ĐMĐ. Cũng theo chị Thảo, nguyên nhân gây bệnh có thể là do chị đi chợ và lây từ những người bán hàng ở chợ. Tuy nhiên, bé Thành L. lại cho biết: “Trong lớp con có một bạn cũng bị ĐMĐ, chắc bạn ấy lây cho con”.
Tại phòng khám số 5, em Hồ Nguyễn Thanh T. – HS lớp 7 Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q.Tân Bình cũng được BS chẩn đoán là ĐMĐ. Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (mẹ của em) kể lại: “Sáng hôm qua, cháu vẫn đi học bình thường. Chiều về nói là ngứa mắt, đến tối thì bắt đầu đỏ. Sáng nay phải nghỉ học để đi khám. Trước đó, chiều thứ hai (ngày 9-9), bé Hồ Nguyễn Anh T. (HS lớp 2 Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình) – em gái của T. cũng bị ĐMĐ. Thứ ba đưa đi khám, hôm nay đã hết đỏ nên cho đi học trở lại”.
Một trường hợp khác cũng phải nghỉ học tới bệnh viện khám mắt là Nguyễn Thị Phương L. (HS lớp 2 Trường Tiểu học An Hội, Q.Gò Vấp). Chị Bùi Thị Loan (P.12, Q.Gò Vấp), mẹ của Phương L. cho biết: “Ngày hôm qua con tôi vẫn đi học bình thường. Không biết có phải là lây bệnh ở trường hay không mà khoảng 9 giờ tối tôi phát hiện mắt bé có nhiều ghèn, đến sáng nay thì đỏ và sưng. Chắc phải cho bé nghỉ học hết tuần này…”. Cũng theo chị Loan thì: “Ở gần nhà tôi có một cô giáo, cô nói ở trường cô dạy có nhiều HS bị bệnh ĐMĐ phải nghỉ học”.
Mấy ngày nay, Phạm Đăng Việt Hưng (HS lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) cũng phải nghỉ học vì ĐMĐ. Ngày 12-9, em được mẹ đưa đi tái khám. Mẹ của Hưng cho biết: “Người đầu tiên trong nhà bị ĐMĐ là em của Hưng, học tại Trường Mầm non Sơn Ca 10, Q.Phú Nhuận. Bây giờ thì cả nhà 4 người cùng bị ĐMĐ…”.
Bệnh lây lan nhanh

Nguyễn Thị Phương L. (học sinh lớp 2 Trường Tiểu học An Hội, Q.Gò Vấp) đang được bác sĩ khám mắt (ảnh chụp sáng 12-9)
Theo BS. Huân, bệnh ĐMĐ (còn gọi là viêm kết mạc cấp) là bệnh do virus gây nên. Trong đó chiếm 65-90% nguyên nhân là do Adenovirus, ngoài ra có thể do Enterovirus. Bệnh lây lan tương đối nhanh. Vì vậy người bị ĐMĐ cần nghỉ ở nhà từ 5-7 ngày để tránh lây cho cộng đồng. Bệnh ĐMĐ hiện chưa có thuốc nhỏ ngừa sự lây lan.
“Khi bị ĐMĐ, người bệnh có biểu hiện mắt đỏ và có ghèn. Thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai, mắt bị ban đầu thường nặng hơn. Ghèn thường là nước trong hoặc ghèn vàng. Một số ít trường hợp (thường gặp ở trẻ em) có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc, hoặc có màng thật. Đôi khi có nổi hạch kèm theo đau hạch trước tai, hoặc hạch dưới hàm, hạch cổ, có kèm theo viêm mũi họng, sốt nhẹ và mỏi mệt hoặc triệu chứng giống bị cúm: Tiêu chảy, đau bụng. Bệnh nhân ĐMĐ có cảm giác cộm, xốn tại mắt giống như có cát, mắt khó chịu, đau nhẹ và mờ thoáng qua. Triệu chứng của bệnh ĐMĐ thành dịch do virus cũng có thể trùng với triệu chứng của viêm kết mạc do vi khuẩn. Do đó bệnh nhân cần tới khám tại cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đúng”, BS. Huân nhấn mạnh.
Đa số các trường hợp ĐMĐ tự khỏi sau 7 đến 14 ngày. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp có biến chứng tại giác mạc (là phần tròng đen) và gây giảm thị lực ở người mắc bệnh.
Khi bị bệnh, “Bệnh nhân nên đeo kính râm, nhỏ dung dịch nước muối (NaCl 0,9%) hoặc nước mắt nhân tạo. Bệnh nhân cũng có thể dùng thuốc nhỏ kháng sinh ngừa bội nhiễm vi trùng, chườm lạnh giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu.  Bệnh ĐMĐ không lây do nhìn nhau mà lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Lây qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, vòi nước rửa mặt, khăn mặt, vật dụng gia đình…), qua nước bị nhiễm khuẩn (như nước hồ bơi). Do đó, để phòng bệnh nên tránh tiếp xúc những vật dụng dễ nhiễm nguồn bệnh (là nước mắt, nước bọt có chứa virus của bệnh nhân). Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu”, BS. Huân khuyến cáo.
Bài, ảnh: Hòa Triều
 
Không nên sử dụng các “bài thuốc cổ truyền”
BS. Phạm Nguyên Huân cho biết: “Khi bị ĐMĐ, người bệnh không tự dùng thuốc nhỏ có chất corticoid (dexamethasone). Tuyệt đối không sử dụng các “bài thuốc cổ truyền” như giã thịt ếch, nhái rồi đắp lên mắt cho mắt. Làm vậy sẽ rất nguy hiểm vì người bệnh đã vô tình đưa ký sinh trùng từ thịt ếch, nhái vào mắt của mình. Người bệnh cũng không nên đắp lá nha đam lên mắt, xông mắt bằng lá trầu không. Những cách điều trị dân gian này rất dễ gây biến chứng tại mắt như ngộ độc mô mắt, để lại sẹo, gây mờ mắt vĩnh viễn”.
 
Báo động ở nhiều tỉnh thành
Ngoài TP.HCM, bệnh ĐMĐ còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Điển hình như ở Bình Dương, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh này, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 trường hợp tới khám, trong đó trên 50% là trẻ em. Tăng gấp 3 lần so với những tháng trước. Tại Hà Nội, bệnh ĐMĐ bắt đầu tăng từ đầu tháng 7 đến nay. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt TW, mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị 80-100 bệnh nhân. Trong đó có nhiều ca nặng do gia đình đưa tới bệnh viện trễ…
Sở dĩ bệnh ĐMĐ bùng phát vào thời điểm này là do thời tiết chuyển mùa, mặt khác lại đúng dịp bước vào năm học mới nên HS dễ bị lây cho nhau. Sau đó thì đem bệnh về nhà lây cho gia đình, rồi bệnh từ gia đình ra cộng đồng…
H.Tr

Bình luận (0)