Hội nhậpThế giới 24h

Thụy Điển bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất với NATO trong 25 năm

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc tập trận chung lớn nhất của Thụy Điển trong 25 năm có sự tham gia của hơn 26.000 binh sĩ từ 14 quốc gia, trong đó có Mỹ và các thành viên châu Âu của NATO.
Aurora-23 là cuộc tập trận lớn nhất tại Thụy Điển trong 25 năm.
Ngày 17.4, các nước NATO bắt đầu cuộc tập trận chung lớn nhất trong 25 năm ở Thụy Điển.
Cuộc diễn tập cuối cùng như vậy đã diễn ra ở Thụy Điển 25 năm trước, nhưng so với cuộc diễn tập lần này thì cuộc tập trận 25 năm trước không thấm vào đâu.
Cuộc tập trận mang tên "Aurora-23" là cuộc tập trận quốc tế lớn nhất tại Thụy Điển trong lịch sử của NATO. Số lượng binh sĩ tham gia từ 14 quốc gia NATO là 26.000 người, trong đó hơn 6.000 là phụ nữ, cùng đông đảo trang thiết bị quân sự.
Theo Bộ Quốc phòng Thụy Điển, tất cả các quân binh chủng lục quân, hải quân, không quân và cả lực lượng dân quân tự vệ của nước này tham gia tập trận. Ngoài ra, còn có quân đội từ Anh, Đức, Mỹ, Pháp và các nước khác.
Cuộc tập trận kéo dài từ ngày 17.4 đến 11.5 còn có sự tham gia của các nhóm mang tính biểu tượng từ Gruzia và Ukraina – những quốc gia từ lâu đã có nguyện vọng gia nhập NATO.
Theo Bộ Quốc phòng Thụy Điển, mục đích của cuộc tập trận là để "tăng cường tiềm lực tập hợp nhằm chống lại một cuộc tấn công vũ trang vào Thụy Điển, thực hành chống lại các cuộc tấn công trên không vào đất nước".
Chính quyền Thụy Điển đang thuyết phục người dân rằng cuộc sống sẽ yên bình hơn dưới mái nhà của NATO. Đó là lý do tại sao Thụy Điển cho phép các cuộc tập trận trên lãnh thổ nước này.
Cuộc tập trận Aurora-23 có sự tham gia của hơn 26.000 binh sĩ từ 14 quốc gia.
Nga đang theo dõi sát sao tình trạng bận rộn quân sự ở quốc gia Scandinavia để rút ra kết luận, điều chỉnh kế hoạch phòng thủ.
Thụy Điển từ lâu đã có mối quan hệ khăng khít với NATO. Các tướng lĩnh của Thụy Điển thường xuyên được mời đến trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, các binh sĩ và sĩ quan của quân đội nước này tham gia vào các cuộc tập trận khác nhau và quân đội Thụy Điển đã được chuyển sang tiêu chuẩn của liên minh.
Còn lại chỉ là giải quyết vấn đề kết nạp Thụy Điển vào NATO, trong bối cảnh tất cả các thành viên NATO đã chấp nhận trừ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara yêu cầu Stockholm trước tiên phải ngăn chặn các hoạt động của "những kẻ khủng bố chống Thổ Nhĩ Kỳ" đang định cư ở Thụy Điển và thậm chí dẫn độ họ. Nhưng Thụy Điển đã bỏ qua yêu cầu này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan còn kiên quyết hơn nữa sau vụ đốt kinh Koran công khai ở Stockholm.
Mỹ đã cố gắng hết sức thuyết phục Tổng thống Erdogan, nhưng ông quyết không bỏ cuộc. Khi đó, những nhà ngoại giao quân sự – chính trị từ Washington và Brussels đã quyết định tìm cách khác để sắp xếp một cuộc tập trận quân sự hoành tráng giữa NATO và Thụy Điển trên lãnh thổ nước này.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)