Nằm trong dự án “Huyền thoại Trường Sơn”, Tổ công nghệ Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) đã tổ chức cho học sinh lớp 11 thực hiện nhiều mô hình về phát triển kinh tế và chống sạt lở thích nghi với biến đổi khí hậu trên tuyến đường Trường Sơn.
Cô Lê Thị Thúy (giáo viên môn công nghệ) cùng các em học sinh lớp 11 giới thiệu các mô hình
Từ những mô hình do chính mình thực hiện, các em học sinh không chỉ biết áp dụng kiến thức lý thuyết đã học vào thực tế mà còn có những ý tưởng nâng cao đời sống cho người dân sinh sống trên dãy Trường Sơn.
Chống sạt lở đất
Dãy Trường Sơn đi qua các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… Đây là những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất, biến đổi khí hậu khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu đặc điểm của từng địa phương, các em học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đã phân chia những nhóm xây dựng với nhiều giải pháp hợp lý. Trong đó, nổi bật là mô hình nhà chống sạt lở đất. Cụ thể như mô hình chống sạt lở ở tỉnh Quảng Nam của nhóm Nguyễn Hữu Đạt (học lớp 11AB3). Với mô hình này, nhóm của Nguyễn Hữu Đạt đã xây dựng những ngôi nhà có cấu trúc đơn giản nhưng có tác dụng chống sạt lở tốt. Mô hình gồm ngôi nhà chính – nơi người dân sinh sống. Theo đó, ngôi nhà gồm hai phần: Trên mặt đất và dưới mặt đất. Phần trên mặt đất, nhà có 4 trụ chống chính, ròng rọc giúp ngôi nhà di chuyển, nam châm giúp nhà không bị va đập mạnh. Còn phần dưới mặt đất, nhà có tấm ván, hai cửa xả. Khi xảy ra tình trạng sạt lở, đất đá sẽ đổ xuống hố, dưới tác động của đất đá, tấm ván sẽ đè xuống nâng nhà lên. Và khi sạt lở kết thúc, hai cửa xả sẽ xả bớt đất đá ra ngoài. Khi đó tấm ván không còn bị đè nặng nên sẽ kéo ngôi nhà trở về trạng thái ban đầu. Nguyễn Hữu Đạt cho biết nhóm thực hiện chọn Quảng Nam vì địa hình nơi đây chủ yếu là vùng núi cao nên thường xuyên xảy ra thiên tai, trong đó chủ yếu là sạt lở đất gây nhiều thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng con người. “Để thực hiện mô hình trên, chúng em phải tìm hiểu đặc điểm địa hình, điều kiện của tỉnh Quảng Nam để đưa ra giải pháp phù hợp, có thể áp dụng vào thực tế”, Nguyễn Hữu Đạt nói.
Phát triển du lịch sinh thái
Bên cạnh việc thực hiện nhà chống sạt lở, các em học sinh còn xây dựng mô hình phát triển du lịch. Theo đó, nhóm của Phạm Đặng Thiên Minh (học lớp 11D2) đã thiết kế mô hình du lịch cho TP.Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Trong vai trò là hướng dẫn viên, Phạm Đặng Thiên Minh cùng với người bạn thân đưa du khách đến khu nghỉ dưỡng mang sắc màu huyền ảo tựa như hàng ngàn con bướm đang tung cánh trên vùng đất cao nguyên. Tổng thể khu nghỉ dưỡng được nhóm Phạm Đặng Thiên Minh thiết kế mang hình dáng con bướm khổng lồ, gồm khu lễ tân (sâu bướm) được thiết kế với nội thất mang hơi hướng truyền thống của văn hóa Tây Nguyên. Cánh trái là khu ảo mộng, phía Tây phục vụ du khách nghỉ dưỡng và cánh phải là khu giải trí. Khoảnh khắc bước vào khu nghỉ dưỡng, du khách như hòa mình vào nơi có hàng ngàn con bướm bay lượn. “Trước khi thực hiện mô hình, chúng em đã đến TP.Buôn Mê Thuột du lịch, và chúng em phát hiện nơi đây có rất nhiều bướm nhưng chưa được khai thác để phát triển du lịch địa phương. Vì vậy, chúng em muốn đưa ra hướng phát triển du lịch mới, chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên để cải thiện đời sống cho người dân nơi đây”, Phạm Đặng Thiên Minh chia sẻ.
Mô hình khu nghỉ dưỡng ở TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai)
Các mô hình sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường
Em Bảo Trân (phụ trách truyền thông của các mô hình) cho biết điểm sáng tạo trong việc thực hiện các mô hình là đổi mới kiến trúc cho ngôi nhà, khu nghỉ dưỡng cũng như có những giải pháp ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Như mô hình xây dựng khu nghỉ dưỡng ở TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai). Để hạn chế diện tích đất, các em có ý tưởng xây khách sạn chính giao giữa phần đất và mặt hồ. “TP.Pleiku có lượng mưa nhiều, khi nước dâng cao dễ xảy ra tình trạng ngập lụt. Vì vậy, khách sạn của chúng em được xây cao, có cầu thang đi lên. Bên cạnh đó, chúng em cũng phân chia các hình thức phục vụ khác nhau. Đối với du khách thích yên tĩnh, chúng em có khu nghỉ dưỡng riêng, tách biệt hoàn toàn với các khu khác, ai muốn đi vào phải có thẻ thông hành. Còn với khách thích nhộn nhịp sẽ có hình thức giải trí như cắm trại, nhạc hội…; khách gia đình có trẻ nhỏ có thể chọn hình thức chèo thuyền. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, hàng tuần chúng em sẽ cho người dọn dẹp và sắp xếp người đi kiểm tra không cho du khách xả rác bừa bãi”, Bảo Trân cho biết.
Mô hình chống sạt lở ở tỉnh Quảng Nam của nhóm Nguyễn Hữu Đạt (lớp 11AB3)
Cô Lê Thị Thúy (giáo viên môn công nghệ, đồng thời là giáo viên hướng dẫn) cho biết các mô hình về phát triển kinh tế và chống sạt lở thích nghi với biến đổi khí hậu trên tuyến đường Trường Sơn thuộc dự án “Huyền thoại Trường Sơn” của trường. Dự án là sự kết hợp của 7 bộ môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý, quốc phòng, sinh học, hóa học, công nghệ được giáo viên và học sinh lên kế hoạch thực hiện từ cuối tháng 11-2022. “Sau khi thầy cô trong tổ công nghệ triển khai, các em học sinh lớp 11 đã đăng ký thực hiện 16 mô hình khác nhau, gồm: nhà chống sạt lở, khu nghỉ dưỡng, trạm dừng chân… Ở mỗi tỉnh, các em đưa ra một giải pháp pháp chống sạt lở và phát triển kinh tế riêng. Các mô hình đều được thực hiện bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như giấy, gỗ… Qua những mô hình này, chúng tôi mong muốn học sinh hiểu hơn về đời sống người dân trên dãy Trường Sơn để từ đó vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống”, cô Lê Thị Thúy kỳ vọng.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)