Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Coi chừng nhiễm độc từ cốc, đĩa giấy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Để an toàn, người tiêu dùng nên sử dụng cốc, đĩa giấy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
Các sản phẩm cốc giấy, đĩa giấy dùng một lần có khả năng bị thôi nhiễm chì. Nếu tiếp xúc thường xuyên, liên tục sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người, nhất là trẻ nhỏ.
Tiện chưa chắc lợi
Trên thị trường hiện nay, mặt hàng cốc, đĩa giấy rất đa dạng về cả mẫu mã, hình dạng và màu sắc. Giá cả lại khá “mềm”.
Tại một sạp hàng ở chợ Hòa Hưng (quận 10, TP.HCM), khi được hỏi về cốc giấy dùng một lần, người bán hàng tận tình cho biết, thường thì có hai loại cốc, đĩa giấy tiện dụng. Loại dùng để đựng đồ nóng và loại đựng đồ lạnh. Giá cả dao động từ 15-25 ngàn đồng/ 20 chiếc. Khi băn khoăn về xuất xứ vì những sản phẩm này đều không ghi địa chỉ sản xuất cũng như hướng dẫn sử dụng, người bán hàng trấn an rằng “đây là hàng nhập khẩu, hàng trong nước sản xuất, không phải hàng Trung Quốc nên cứ yên tâm”.
Căng tin cơ quan, trường học người ta vẫn thường xuyên mua cả lốc hàng trăm chiếc về sử dụng. Đi du lịch, picnic mà dùng loại này thì nhất rồi, tiện dụng lắm. Uống cà phê, nước ngọt, pha mì tôm rồi đựng hoa quả… đều được cả. Chính vì sự tiện dụng đó mà hầu như ở bất kỳ nơi đâu cũng đều có thể thấy những loại cốc, đĩa giấy này. Chị Hồng (Q.3) cho biết, gần đây nhất, chị cùng gia đình đi du lịch nên có mua loại cốc giấy để tiện mang đi. Nhưng sau khi pha cà phê thì cốc bị móp lại và mùi cà phê cũng rất khác. “Có lẽ do nước quá nóng. Nhưng mà không thấy bất  kỳ khuyến cáo sử dụng nhiệt độ nào ở trên sản phẩm thì người sử dụng làm sao mà nắm được” – chị Hồng phàn nàn.
Thực tế thì không hiếm người gặp tình trạng như chị Hồng. Vì mặt hàng tiện dụng này không có hướng dẫn sử dụng cũng như những thông tin cần thiết để người dùng sản phẩm biết cách sử dụng an toàn. Thậm chí, dù là sản phẩm dùng một lần nhưng vẫn được tái sử dụng nhiều lần tiếp theo.
Ảnh hưởng đến thần kinh
Theo thầy Hà Thúc Huy – Trưởng bộ môn hóa học polymer, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM thì các loại cốc, đĩa giấy được làm từ giấy có tráng một lớp polyetylen (PEld) tỷ trọng thấp trên bề mặt. Giấy sau khi được tráng PEld sẽ được ép định hình, từ đó tạo ra sản phẩm có hình dạng thích hợp. Nếu xét về nguyên tắc thì hai thành phần để tạo ra cốc, đĩa giấy dùng một lần (giấy và PEld) không có chứa chì. Nó chỉ bị cấm sử dụng trong công nghiệp thực phẩm, hoặc các vật dụng chứa đựng thực phẩm. Tuy nhiên, có thể sự ô nhiễm chì có nguồn gốc từ giấy (ví dụ như giấy tái chế không an toàn…). Thầy Nguyễn Thụy Vũ – Chủ nhiệm Khoa Hóa học, ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, chì là một kim loại độc đối với cơ thể con người. Hợp chất chì thường được sử dụng ở dạng ôxít và muối, là thành phần chính của sơn màu. Loại chì ở trong sơn đặc biệt độc hại cho trẻ con. Ví dụ như đồ chơi có sơn nhiễm chì.
Thầy Hà Thúc Huy khuyến cáo rằng, để an toàn, người tiêu dùng nên sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Và chỉ nên sử dụng một lần, với nhiệt độ vừa phải dưới 1000C. Bởi những sản phẩm nhiễm chì, nếu tiếp xúc nhiều lần, đi vào cơ thể sẽ có nguy cơ ngộ độc kim loại.
Theo thầy Huy thì, dấu hiệu của ngộ độc chì thường xuất hiện rất âm thầm, khó phát hiện. Chỉ khi nào tích tụ ở mức độ cao, bệnh mới rõ rệt nhưng triệu chứng thì cũng không có gì đặc biệt.
Với trẻ em, nhiễm độc chì cấp tính sẽ khiến tính tình trở nên dễ cáu, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững, có thể lên cơn kinh phong. Trường hợp mãn tính thì sẽ có dấu hiệu chậm trí, hay gây gổ, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận và thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Trẻ dưới 6 tuổi sẽ có nguy cơ nhiễm độc chì trầm trọng hơn ở người trưởng thành vì hệ thần kinh còn non yếu và khả năng thải độc chất của cơ thể chưa hoàn chỉnh. Với người trưởng thành, khi ngộ độc chì thường hay đau tê ở đầu ngón tay, chân, bắp thịt mỏi, yếu, nhức đầu, đau bụng, tăng huyết áp, thiếu máu, thay đổi tâm trạng, sẩy thai. Lâu dần thì sẽ trở thành mãn tính, đưa tới suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, suy giảm chức năng não bộ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Phát hiện 4/6 mẫu cốc giấy, đĩa giấy nhiễm chì
Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm tra cốc giấy, đĩa giấy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước đó, ngày 27-9, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có văn bản số 740/VKNQG-QLCL báo cáo Cục An toàn thực phẩm về kết quả giám sát một số sản phẩm đĩa giấy, cốc giấy. Cục đã tiến hành lấy ngẫu nhiên tổng số 6 mẫu cốc giấy, đĩa giấy đựng thực phẩm (gồm 4 mẫu sản xuất trong nước và 2 mẫu nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc) tại chợ Hôm, chợ Đồng Xuân và chợ Nguyễn Cao (Hà Nội).
Qua xét nghiệm, 6/6 mẫu đều không phát hiện các chất Vinyl clorid, Caprolactam và tổng số chất bay hơi (Styren, Toluen, Ethylbenzen, Isopropylbenzen); 6/6 mẫu không phát hiện nhiễm Cadimi. Tuy nhiên, có 4/6 mẫu phát hiện có nhiễm chì (1 mẫu có nguồn gốc từ Trung Quốc, 3 mẫu sản xuất trong nước, với hàm lượng từ 0,36-0,45 µg/l). Ngoài ra, có 3/6 mẫu có nhiễm arsen (cả 3 mẫu được sản xuất trong nước, hàm lượng từ 0,35-0,81 µg/l) đều trong giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu kim loại nặng cũng như bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)