Tác động của việc tách rời công nghệ Mỹ-Trung có thể làm rung chuyển thế giới. Nhiều quốc gia đã bắt đầu chuẩn bị cho sự “ly thân”, tiến tới “ly hôn” công nghệ giữa hai siêu cường bằng cách hợp tác với các nước khác và tăng cường sản xuất, cung ứng trong nước.
Tác động của việc tách rời công nghệ Mỹ-Trung có thể làm rung chuyển thế giới. Nhiều quốc gia đã bắt đầu chuẩn bị cho sự “ly thân”, tiến tới “ly hôn” công nghệ giữa hai siêu cường bằng cách hợp tác với các nước khác và tăng cường sản xuất, cung ứng trong nước.
Việc tách rời công nghệ sẽ gây tốn kém cho cả Mỹ và Trung Quốc. Các lĩnh vực như đổi mới, chuyên môn hóa và chi phí sẽ bị ảnh hưởng ở cả hai quốc gia và nhiều nước khác. Một lĩnh vực tác động rõ ràng là thương mại toàn cầu đang chậm lại, làm thay đổi các đặc điểm vốn có của toàn cầu hóa.
Mặt trận AI, chip, 5G và IoT
Công nghệ, đặc biệt là sản xuất chip, là trung tâm của các nền kinh tế hiện đại và cả Mỹ và Trung Quốc đã chuyển sang đẩy mạnh sản xuất chất bán dẫn và kiểm soát nguồn cung trong tương lai. Kể từ năm 2020, ít nhất 35 công ty bán dẫn trên khắp nước Mỹ đã cam kết đầu tư 200 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chip trong nước. Hãng chip khổng lồ Intel gần đây cam kết đầu tư 20 tỷ USD vào hai nhà máy mới ở bang Ohio để sản xuất chất bán dẫn; và Micron Technology dự kiến chi tới 20 tỷ USD vào cuối thập kỷ này tại Mỹ. Hãng TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) cũng có kế hoạch tăng gấp ba khoản đầu tư vào Mỹ lên 40 tỷ USD.
Mỹ-Trung Quốc cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong lĩnh vực công nghệ. Ảnh: Getty Images
Trung Quốc đang tìm cách thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ, cam kết chi 1.400 tỷ USD trong vòng 5 năm để xây dựng các công nghệ chiến lược và hạ tầng kỹ thuật số trong nước. Chúng bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), chip, 5G và Internet vạn vật (IoT). Người ta dự đoán rằng Trung Quốc sẽ đi theo con đường tương tự của Mỹ trong việc trợ cấp nhiều cho các công ty công nghệ trong nước. Trong nỗ lực tự cung tự cấp về công nghệ, Trung Quốc có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào “công nghệ sâu” như chất bán dẫn và AI. Trong quá trình này, các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước có thể sẽ được “bơm” cho các công ty sản xuất chip và công nghệ quan trọng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi mở ra những đột phá công nghệ bằng cách huy động các nguồn lực quốc gia. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố đổi mới công nghệ là động lực cốt lõi cho sự phát triển của đất nước.
Mỹ và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cạnh tranh để giành lợi thế công nghệ, được củng cố bởi các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra cũng như sự định hướng lại cơ bản của động lực quyền lực toàn cầu, nơi công nghệ đã đóng một vai trò lớn chưa từng có.
Sự tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc có thể thể hiện rõ ràng nhất theo bốn cách: công nghệ, thương mại, tài chính và con người. Trong bối cảnh địa chính trị ngày nay giữa hai nước, cả bốn cách này đều liên kết với nhau. Động lực tách rời khỏi Trung Quốc, trong một loạt lĩnh vực do công nghệ dẫn đầu, trở nên mạnh hơn bởi các mối đe dọa mà Washington phải đối mặt trong lĩnh vực an ninh quốc gia đến từ Bắc Kinh. Ba tài liệu quan trọng do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra – Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), Chiến lược Phòng thủ Quốc gia (NDS) và Đánh giá Vị thế Hạt nhân (NPR) – đều chỉ ra Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với quyền bá chủ của Mỹ. Một cách rõ ràng nhất, NSS của Mỹ định nghĩa Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có cả ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó”. Những đánh giá này đã đặt các mối đe dọa công nghệ từ Trung Quốc sang Mỹ trong số các mối quan tâm an ninh quốc gia cốt lõi của nước này, thúc đẩy Mỹ chống lại các mối đe dọa đó bằng nhiều bước thực hiện trong nước cũng như quốc tế.
Hai xu hướng khác nhau
Khi Mỹ và Trung Quốc tiến tới giải quyết các tác động ngày càng rõ của hàng rào thuế quan, kiểm soát xuất khẩu, lệnh trừng phạt và danh sách đen, hai xu hướng khác nhau được dự báo sẽ xuất hiện ở Trung Quốc và liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Nhà nước Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hỗ trợ và trợ cấp các ngành liên quan đến chip và các công nghệ quan trọng khác, đẩy nhanh quá trình đạt được sự tự chủ trong các công nghệ và chất bán dẫn nhạy cảm. Về mặt song phương, Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách hủy bỏ các thỏa thuận thương mại với Mỹ, bao gồm Thỏa thuận Giám sát công ty kiểm toán đã ký gần đây hoặc bằng cách đệ đơn khiếu nại vi phạm chống lại Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc có thể tăng cường quan hệ đối tác và đầu tư vào các quốc gia giàu nguyên liệu đất hiếm, một thành phần quan trọng của chip, đồng thời tận dụng trữ lượng đất hiếm ước tính khoảng 44 triệu tấn của chính mình.
Về phía Mỹ, các doanh nghiệp tư nhân dự kiến sẽ hành động tự do hơn trong việc giảm tác động của các lệnh hạn chế và quy định mới bằng cách chuyển giao trách nhiệm cho các nước, vùng lãnh thổ và đối tác khác. Một nỗ lực quan trọng là phát triển Liên minh “Chip 4” do Mỹ lãnh đạo, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), những quốc gia và vùng lãnh thổ kiểm soát phần lớn hoạt động sản xuất, thiết kế và cung cấp chất bán dẫn.
Cuối cùng, nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra một quan hệ đối tác công nghệ bền vững chống lại Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế nữa phải được cân nhắc cẩn thận. Đặc biệt là khi chính quyền Biden bước vào cuộc tranh luận “dân chủ và chuyên chế” để nhắm mục tiêu vào Trung Quốc và phân biệt với nước này, họ phải cẩn thận trước những đánh giá từ các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác. Không phải tất cả các quốc gia đều tuân theo định nghĩa và cách hiểu về dân chủ của Washington, đặc biệt là những nước đến từ Nam bán cầu.
Thái An/TPO (theo Observer Research Foundation)
Bình luận (0)