Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tránh bẫy nghèo cho dân do chi phí y tế

Tạp Chí Giáo Dục

Khoảng 20% dân số hiện chưa tham gia bảo hiểm y tế, trong đó nhiều trường hợp có nguy cơ “nghèo hóa” vì phải tự chi trả chi phí lớn khi không may mắc bệnh nặng.
Vay tiền, bán nhà chữa bệnh
Bệnh nhân Nguyễn Thị M., 35 tuổi, quê ở Đông Anh, Hà Nội vào điều trị tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai hồi đầu tháng 10 với chẩn đoán: sốc tim, viêm cơ tim, mang thai 31 tuần. Do tình trạng quá nặng, chị phải thở máy, truyền máu và ECMO (tim phổi nhân tạo). Mỗi đợt chạy ECMO, riêng tiền vật tư đã lên đến gần 90 triệu đồng. Gia đình của chị cho biết, do nhập viện khi chưa có bảo hiểm y tế (BHYT) nên tiền điều trị phải đi vay mượn.
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội (BV Bạch Mai), đã có những trường hợp tình trạng bệnh nhân rất nặng, kinh tế eo hẹp do chỉ làm nông nghiệp, làm ruộng trong khi chi phí điều trị lớn từ 50 – 200 triệu đồng, thậm chí 400 – 500 triệu đồng hoặc cao hơn, nhưng không có BHYT.

Bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng chi phí y tế, đặc biệt trong trường hợp bệnh nặng  /// Ảnh: Ngọc Thắng
Bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng chi phí y tế, đặc biệt trong trường hợp bệnh nặng – Ảnh: Ngọc Thắng

“Với những trường hợp như vậy, chúng tôi luôn đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ giúp bệnh nhân có cơ hội được cứu sống”, BS Mận cho biết. Như trường hợp bệnh nhân M. đã được điều trị khỏi với chi phí khoảng 300 triệu đồng, trong đó có đóng góp từ các nhà hảo tâm.
Trước chị M., tại Khoa Điều trị tích cực (BV Bạch Mai) cũng điều trị cho một bệnh nhân nữ bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Đây là bệnh phải điều trị dài ngày, chi phí lên đến 500 triệu đồng. Chồng bệnh nhân cho biết phải bán nhà được hơn 400 triệu đồng để nộp viện phí, do không tham gia BHYT, phải tự trả.
GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Điều trị tích cực BV Bạch Mai, chia sẻ ông từng chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nặng, chi phí lớn khiến gia đình trung lưu cũng trở nên khó khăn, thậm chí nghèo khó, do không có BHYT, phải chi trả toàn bộ tiền thuốc men, dịch vụ…
Còn ông Bùi Thành Chi, nguyên Phó giám đốc BV Bạch Mai, người đầu tiên viết đề án và triển khai BHYT tại VN từ hơn 20 năm trước, cho rằng với chi phí lớn, chỉ định kỹ thuật cao, nếu có BHYT chi trả bệnh nhân sẽ thoát được “bẫy nghèo” do chi phí y tế. Bởi thuốc điều trị, vật tư y tế có thể lên đến cả trăm triệu đồng/đợt điều trị; một số bệnh tiền thuốc có thể lên đến 200 – 300 triệu đồng/năm và phải dùng lâu dài, nếu không có BHYT hỗ trợ phần lớn thì nhiều người khó có thể theo đuổi điều trị.
Cần thuận lợi hơn trong cung cấp dịch vụ
BS Bích Mận cho rằng, mỗi người cần ý thức hơn về bảo vệ sức khỏe bằng việc tham gia BHYT. “Trước sinh mạng người bệnh, chúng tôi và các nhà hảo tâm không nề hà, luôn mong mỏi người bệnh được khỏe mạnh ra viện. Nhưng tốt hơn là mỗi người chúng ta quan tâm dành tiền mua BHYT để lo cho sức khỏe của mình”, BS Mận nói. Tuy nhiên, vị BS này cũng cho rằng cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) cần có các hình thức tạo thuận lợi hơn cho người tham gia BHYT khi làm thủ tục đóng phí, đặc biệt là có hình thức thu phí phù hợp để thu hút mọi người tham gia BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho hay người tự nguyên tham gia BHYT có thể đến đại lý tại UBND xã, phường nơi cư trú để được hướng dẫn. “Người tham gia chỉ phải kê khai danh sách các thành viên trong hộ gia đình và nộp tiền cho đại lý thu BHYT tại xã, phường, thị trấn hoặc BHXH cấp huyện trên địa bàn nơi sinh sống. Trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ BHYT cho người tham gia”, ông Sơn nói.
Về mức phí BHYT, ông Sơn cho biết nếu tham gia BHYT hộ gia đình sẽ có nhiều ưu đãi. “Tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng, người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ bản (653.000 đồng/12 tháng/người); nhưng từ người thứ 2 đến thứ 5 trong gia đình sẽ được giảm dần: 60 – 50 – 40% mức đóng của người thứ nhất”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, tới đây, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành số định danh cá nhân thì sẽ thống nhất với việc cấp thẻ BHYT. Số định danh cá nhân là mã số an sinh xã hội cho những người tham gia BHXH, BHYT. Khi người dân đi khám chữa bệnh cung cấp số định danh cá nhân, cơ sở khám chữa bệnh sẽ truy cập vào cơ sở dữ liệu tham gia BHYT để kiểm tra các thông tin hiện đang in trên thẻ BHYT, người dân không cần xuất trình thẻ BHYT như hiện nay nữa.
Mua BHYT được chi trả ra sao?
Theo quy định hiện hành, người tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng: trẻ em dưới 6 tuổi; người có công với cách mạng, cựu chiến binh, thân nhân người có công là cha/mẹ, vợ/chồng, con và người nuôi dưỡng liệt sĩ, người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện xã hội khó khăn, người sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn, bảo trợ xã hội, sĩ quan, quân nhân công an, quân đội chuyên nghiệp, sẽ được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.
Người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100% (trừ trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến).
Trường hợp người tham gia BHYT không may mắc bệnh phải đi cấp cứu tại các BV không phải là nơi người bệnh đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thì vẫn được Quỹ BHTY chi trả như đi khám bệnh đúng tuyến (100% mức hưởng theo quy định). Trường hợp không khám cấp cứu thì Quỹ BHYT thanh toán 40% (khi khám chữa bệnh ở BV tuyến T.Ư); 60% (BV tuyến tỉnh) và 100% mức hưởng khi đi khám ở BV tuyến huyện.
Bên cạnh đó, mức thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật cao cũng có sự thay đổi theo hướng có lợi cho người tham gia BHYT. Trước đây, người tham gia BHYT từ 6 tháng trở lên mới được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao, nhưng nay người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng. Mức thanh toán của các dịch vụ trên trước đây là không quá 7 triệu đồng cho một lần sử dụng dịch vụ, nay nâng lên không quá 48,4 triệu đồng/lần.

Nam Sơn (TNO)

 

Bình luận (0)