Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hiểm hoạ cháy nổ từ chuồng cọp chung cư

Tạp Chí Giáo Dục

Nhìn lại vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết vừa qua, dư luận bỗng giật mình khi hàng loạt chung cư cũ, thậm chí cả những khu đô thị mới cũng đang “oằn mình” gánh những “chuồng cọp, lồng chim”.

Hiểm hoạ cháy nổ từ chuồng cọp chung cư
KĐT Trung Hoà – Nhân Chính nhếch nhách chuồng cọp cơi nới.

Hiểm hoạ cháy nổ rình rập

Nhắc đến những khu tập thể cũ ở Hà Nội, không ai còn xa lạ với những danh từ “lồng chim” hay “chuồng cọp”. Nếu trước đây đơn thuần là những tấm sắt hàn để tạo khoảng không lấn ra bên ngoài thì nay nhiều “lồng chim, chuồng cọp” đã được biến tướng thành những không gian “cứng”, thậm chí là bê tông kiên cố, bất chấp kết cấu, tuổi thọ tòa nhà. Ghi nhận tại khu tập thể Bách Khoa (Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng), gần 100% tập thể đều có phần diện tích tăng thêm.

Bà Hoa, trú tại nhà Z4 khu tập thể Bách Khoa cho biết, nhà trước đây diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 35m2. Đến nay nhà bà đã có 6 nhân khẩu, bắt buộc phải cơi nới mới ở được. “Diện tích hiện nay đã lên 45m2, ở đây hộ nào cũng làm mới đủ diện tích sinh hoạt”, bà Hoa khẳng định. Thậm chí tại khu tập thể K9 Bách Khoa, có những “chuồng cọp” đã được đổ nền, xây dựng bằng gạch, bê tông kiên cố.

Không chỉ là “căn bệnh” cố hữu ở các khu tập thể cũ, thói quen cơi nới đã lan ra cả những khu đô thị (KĐT) mới, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, mất an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)… Tại tòa nhà phục vụ tái định cư trên phố Tạ Quang Bửu, dù mới hoàn thành năm 2003 nhưng toàn bộ ban công các căn hộ đã bị quây kín bởi các thanh sắt.

Ghi nhận tại KĐT Trung Hòa – Nhân Chính (quận Thanh Xuân và Cầu Giấy), tại các tòa nhà N5A, N5B, N5C, N5D; N6A, N6B, N6C, N6D; N4A, N4B, N4C, N4D… tất cả đều có những căn hộ được cơi nới. Đa phần đều là những khung sắt bao quanh ban công, một số bắn thêm tôn bao quanh khiến mỹ quan đô thị xuống cấp trầm trọng. Cá biệt, có những “chuồng cọp” xây dựng kiên cố rộng gần 20m2.  Đáng chú ý, “chuồng cọp” xuất hiện ngay ở khu nhà N5B, N5C nơi đặt văn phòng của Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội.

Cách đó không xa là khu tái định cư Nam Trung Yên, toàn bộ ban công của các tòa nhà B10A, B10B, B11A, B11B, B6A… đều bị bít kín. Ở các tầng dưới, chủ yếu là song sắt, còn từ tầng 10 trở lên các căn hộ bịt bằng kính. Toàn bộ khoảng trống dành cho việc thoát hiểm khi xảy ra sự cố là khu vực lan can kều bị bịt kín, nếu có xảy ra sự cố, lực lượng chức năng sẽ khó tiếp cận được các căn hộ để xử lý sự cố và giải cứu nạn nhân.

Cơ quan chức năng than khó

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa cho biết, tập thể Bách Khoa được xây dựng từ nhiều năm trước. Ngay từ khi đưa vào sử dụng, nhiều hộ dân đã cơi nới, làm “chuồng cọp” phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Đây là những tồn tại lâu năm, bên cạnh đó, nhiều “chuồng cọp” được gia cố lại nhiều lần, ăn vào cốt công trình, nên rất khó xử lý. “Hiện nay cơ quan chức năng cho phép sửa chữa những “chuồng cọp” tồn tại trên cơ sở đảm bảo kết cấu công trình, kiên quyết xử lý những chuồng cọp mới xây dựng”, ông Dũng nói. UBND phường Bách Khoa cho biết thêm, đối với tòa nhà mới xây dựng, trách nhiệm thuộc Ban quản lý (BQL) toà nhà thuộc Cty CP Tu tạo và Phát triển nhà.

Trao đổi với PV, đại diện Cty CP Tu tạo và Phát triển nhà cho biết, mặc dù biết những “lồng sắt” ảnh hưởng đến công tác PCCC nhưng khó có thể yêu cầu các hộ dân bỏ rào sắt quanh ban công. Các hộ tầng thấp lý do rằng làm rào sắt để chống trộm, những hộ tầng cao thì làm để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

Đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, xu hướng “phòng trộm mà quên phòng cháy” diễn ra ở nhiều khu tập thể, thậm chí chung cư mới. Do gia cố vật liệu kiên cố vào cửa sổ, ban công… nên khi cháy xảy ra, lực lượng PCCC tiếp cận cứu người rất khó khăn. Chưa kể mất thời gian để cắt “chuồng cọp”, cắt khóa cửa… nên tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích: “Khi thiết kế chung cư, đơn vị chuyên môn phải tính toán kỹ lưỡng tất cả các mặt như độ chịu tải, lối thoát hiểm, khoảng trống lan can… Khi thiết kế được duyệt, tức là người sử dụng không được phép cơi nới thêm để gia tăng diện tích sử dụng.

Ông Liêm cho rằng, để xảy ra tình trạng “chuồng cọp” bủa vây chung cư tại nhiều KĐT hiện nay, có trách nhiệm rất lớn của những đơn vị nắm giữ nhiệm vụ giám sát là BQL khu đô thị, Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội… “Việc xây dựng, lắp đặt “chuồng cọp” không thể thực hiện trong một chốc, một lát. Nếu các đơn vị giám sát quản lý giám sát thường xuyên và quản lý chặt chẽ, sẽ chẳng có hộ dân nào xây dựng được “chuồng cọp”…”, ông Liêm phân tích thêm.

Ngọc Cương – Trần Hoàng (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)