Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mỹ phẩm công nghệ… xô, chậu

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tuýt còi từ cuối năm 2015 do bị cảnh báo chứa các chất độc hại (trong đó có chất Parabens). Nhưng hiện nay, trên thị trường mỹ phẩm trôi nổi, chất độc hại vẫn chưa hết… hoành hành. Ngoài việc nhập lậu, làm giả, làm nhái, thì mỹ phẩm được làm bằng những nguyên liệu không có nguồn gốc, công nghệ “xô, chậu” vẫn tràn lan.

Cơ quan chức năng kiểm tra một lô hàng mỹ phẩm nghi vấn không rõ nguồn gốc

Dẹp không xuể

Chỉ trong một ngày, Sở Y tế TPHCM cùng lúc ban hành tới 8 văn bản về việc đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm của 8 doanh nghiệp đóng trên địa bàn TPHCM hoặc có sản phẩm phân phối trên thị trường TPHCM, như Công ty TNHH Mỹ phẩm Leo Pro (quận Thủ Đức), Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Hóa mỹ phẩm Hòa Phát (huyện Bình Chánh), Công ty TNHH Mỹ phẩm và dạy nghề thẩm mỹ Hagico (quận Phú Nhuận)… Đây là những doanh nghiệp có sản phẩm mỹ phẩm được Sở Y tế TPHCM cho biết không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cũng như các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đó chỉ là con số nhỏ so với thực tế thị trường mỹ phẩm hiện nay. “Mỗi năm, ngành y tế thành phố đình chỉ, buộc thu hồi hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm nhưng chỉ là bề nổi. Hàng ngàn mỹ phẩm không nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí độc hại vẫn chưa dẹp xuể trên thị trường”, PGS-TS Phong Lan quan ngại.

Theo bà, qua kiểm tra giám sát, phát hiện nhiều cơ sở sản xuất mỹ phẩm mà công nghệ rất thô sơ, chủ yếu pha trộn trong xô, chậu bằng các loại hóa chất không nguồn gốc. Ghi nhận cho thấy, sau khi mua các loại bột mì cùng hóa chất và hương liệu từ chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) và nhập về từ Trung Quốc, các cơ sở bắt đầu nhào trộn rồi cho ra các loại mỹ phẩm với các tên nhãn rất mỹ miều, thậm chí nhái cả hàng hiệu. Điển hình, cách nay chưa lâu, cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở ở quận 7 sản xuất mỹ phẩm làm trắng da siêu tốc “nổ” là nhập khẩu từ Hàn Quốc, nhưng khi cơ quan chức năng ập vào kiểm tra phát hiện toàn dung dịch, bột, hương liệu, hóa chất, tem nhãn không có nguồn gốc…

Với giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/hộp, các loại mỹ phẩm như kem làm trắng da, kem làm sạch mụn cấp tốc, kem xóa tàn nhang… được bày bán ngổn ngang tại sạp hàng các chợ và cả ở… vỉa hè, nhất là gần các khu chế xuất, khu công nghiệp có nhiều công nhân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, những loại mỹ phẫm “hổ lốn” ấy phần nhiều công thức là hóa chất, hương liệu từ chợ Kim Biên mà ra. “Chất kích thích trắng da, chất dưỡng da, tinh dầu, chất tạo màu, các loại hương… chỉ vài chục ngàn đồng/lít. Sau đó đổ vào máy xay sinh tố trộn đều là ra mỹ phẩm”, một chuyên gia y tế ngán ngẩm. 

Kiểm soát đến đâu?

Những sản phẩm trôi nổi, nhập lậu, hàng giả và các mỹ phẩm được nhào nặn bằng công nghệ xô, chậu đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, khi các kết quả của cơ quan kiểm nghiệm đều cho thấy các mỹ phẩm này có chứa độc chất corticoid hay các hóa chất nguy hại khác. Thế nhưng, cơ quan chức năng khó mà kiểm soát hoặc nếu có cũng như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không nguồn gốc trên thị trường hiện nay rất phổ biến, tập trung tại các điểm bán sỉ và phân tán trong các chợ nhỏ. Trong tổng các vụ vi phạm về kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm thì mỹ phẩm giả hiệu chiếm đến 50%; hàng giả kém chất lượng 22%; giả kiểu dáng, nguồn gốc chiếm 17% và số còn lại là hàng nhập ngoại không hóa đơn chứng từ. Mới đây, cơ quan quản lý thị trường TPHCM đã bắt quả tang một kho hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá lên tới hơn 2 tỷ đồng tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức…

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nhìn nhận, mỹ phẩm đang là thị trường có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người sử dụng. Ngoài corticoid, Cục Quản lý dược đã ban hành quy định cấm lưu hành các loại mỹ phẩm chứa chất Parabens độc hại. Vậy công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng đến đâu?

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, những loại mỹ phẩm bị thu hồi sẽ được đăng trên trang web Sở Y tế và thông báo đến UBND các quận, huyện cũng như các công ty để phối hợp kiểm tra. Do đó, hầu như người dân vẫn mù tịt thông tin, các công ty vi phạm vẫn tiếp tục tung hàng ra sạp, cửa hàng. Theo các chuyên gia y tế, hiện việc quản lý mỹ phẩm đang có những lỗ hổng rất lớn. “Mặc dù Thông tư 06/2011 quy định chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố, nhưng đâu phải cơ sở nào cũng tuân thủ”, một chuyên gia y tế ngao ngán.

Nhằm siết chặt hơn quản lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2016 quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm có hiệu lực từ 1-7 vừa qua. Theo đó, nghị định quy định về điều kiện đối với các cơ sở sản xuất, bán thành phẩm mỹ phẩm và cơ sở đóng gói mỹ phẩm; trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. “Quy định thì cụ thể rồi, kể cả Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm cũng đã ký rồi, nhưng thực tiễn có quản lý, kiểm soát hay làm ngơ”, một bác sĩ chuyên về da liễu băn khoăn. Nhiều ý kiến đồng thuận rằng nên đưa mỹ phẩm vào “khuôn phép” hơn bằng các tiêu chí kỹ thuật, công cụ quản lý cũng như chế tài răn đe hơn…

Theo Nghị định số 93/2016 có hiệu lực từ 1-7 vừa qua, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng 3 điều kiện: Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc; có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất; kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm.


TƯỜNG LÂM/SGGP

 

 

 

Bình luận (0)