Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Con không hề nói tục”

Tạp Chí Giáo Dục

Con trai tôi đang học lớp 6, chiều hôm qua đi học về, mặt buồn xo kể rằng bị thầy giáo dạy môn thể dục phê bình nói tục trong giờ học. Thầy còn ghi trong sổ đầu bài và xếp loại tiết học không tốt nữa nên cháu lại càng rầu rĩ hơn, sợ bị cô chủ nhiệm phê bình trong tiết sinh hoạt lớp. Than thở xong thì cháu mếu máo thanh minh rằng “con không hề nói tục”. Tôi thấy có điều gì đó không ổn bởi con trai tôi vốn không nói tục. Nếu có một hai lần lỡ nói từ tục thì tôi sẽ chấn chỉnh liền. Xưa nay cháu đi học không nghịch phá, không hỗn hào, giờ lại mắc tội nói tục trong giờ học nên tôi thấy tò mò.

Tôi bèn hỏi rõ sự tình thì con trai kể ngọn ngành thế này: Đó là tiết học thể dục, trong khi con gầy gò bé như hạt tiêu thì những bạn nam cùng lớp phổng phao hơn. Trong tiết kiểm tra chạy nhanh, con yếu ớt nên không thể về đích sớm được. Thấy Phong (bạn cùng lớp) chạy như bay và về cán đích sớm, thành tích cao nhất lớp nên con mới reo to “đù!”, thế là bị thầy chỉ mặt nói: “K., nói tục trong giờ học!”. Chuyện không dừng ở đấy, thầy còn ghi nguyên văn câu ấy vào sổ đầu bài.

Kể câu chuyện này, tôi không hề có ý bảo thầy giáo quá nghiêm khắc, khó tính và càng không dám bình phẩm gì về tình huống sư phạm này. Nhưng câu chuyện của con trai làm tôi băn khoăn một điều, đó là khi nói ra từ đó, học sinh không hiểu đó là tiếng tục. Tôi chỉ dám nghĩ bụng: giá như thầy nói rõ hơn với học sinh, thay vì trầm trồ, thán phục bạn bằng một từ ngữ thì em sử dụng cái vỗ tay, hay là một từ cảm thán nào đấy, còn từ em vừa nói, nó là từ nói “tránh” của một tiếng tục thì đã không có chuyện học sinh xấu hổ vì bị phê sổ đầu bài là nói tục mà không hề biết mình đã nói tục.

Câu chuyện của con trai làm tôi suy nghĩ nhiều. Thực tình thì tôi vẫn nghĩ học sinh lớp 6 thì đã đủ “lớn” để phân biệt được từ nào có nghĩa tục rồi nhưng câu chuyện của con trai đã chứng minh nhận định đó của tôi là sai. Và chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, trên thực tế, có một số trẻ em sử dụng từ ngữ có nghĩa xấu nhưng không hề biết ý nghĩa của từ ngữ đó; có khi chỉ vì muốn thể hiện cảm xúc bằng một từ ngữ nào đó “mạnh mẽ” thế là bắt chước và thấy cảm xúc được dễ dàng biểu thị vậy là lại sử dụng nó cho những lần tương tự. Rồi thành ra nói tục hồi nào không hay. Thế nên, chúng ta, những bậc làm cha làm mẹ, các thầy cô giáo hãy dạy cho trẻ cách biểu lộ và kiềm chế cảm xúc, hãy chỉ cho trẻ những từ ngữ thích hợp để thể hiện cảm xúc khi quá vui mừng hay bức xúc, giận dữ.

Bích Nhàn

Bình luận (0)