Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh lớp 10: Cách làm bài môn Toán, Văn đạt điểm cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 Theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm luyện thi, đề thi chủ yếu là kiến thức trong sách giáo khoa lớp 9. Trước kỳ thi, thí sinh nên nắm vững kiến thức cơ bản, làm đến đâu chắc đến đấy, từ dễ đến khó để đạt điểm cao.
Kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội luôn căng thẳng vì tỉ lệ chọi cao. Ảnh: Như Ý.
Kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội luôn căng thẳng vì tỉ lệ chọi cao. Ảnh: Như Ý.

Chú ý các vấn đề “nóng”

Theo cô Nguyễn Thị Hằng Nga, tổ trưởng môn Ngữ Văn Trường THPT Hoài Đức B thì cấu trúc đề thi môn Văn nhiều năm nay không có sự thay đổi. Do đó, hầu hết các trường đã ôn luyện cho học sinh theo nội dung bài học và cấu trúc đề thi. Khi cầm đề thi, thí sinh lưu ý đọc kỹ đề, gạch ra những yêu cầu của đề và luôn nhớ phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu trong bài thi. Theo cô Nga, nhiều học sinh không biết cách phân bổ thời gian làm bài cho từng câu nên dễ sa đà vào 1 đến 2 câu, những câu còn lại hết thời gian làm bài.

Cô Nga cho rằng, trước ngày vào phòng thi, học sinh chỉ cần nắm vững tác giả, hoàn cảnh ra đời của từng tác phẩm trong sách giáo khoa lớp 9. Đồng thời, nắm vững chi tiết nghệ thuật quan trọng trong từng tác phẩm, các phép liên kết văn bản, tu từ. Đề văn ra kiến thức rất cơ bản gồm hai phần thường là yêu cầu học sinh phân tích một đoạn văn, một bài thơ. Trong đó, với 1 đoạn thơ, đề thường yêu cầu học sinh trả lời những câu hỏi cơ bản liên quan kiến thức Tiếng Việt nên học sinh cần nắm rõ tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, biện pháp nghệ thuật là có thể dễ dàng ăn điểm.

Cô Nga lưu ý thí sinh ngoài kiến thức sách giáo khoa, đề thi năm nào cũng có một phần nghị luận xã hội. Vì thế, các vấn đề đang nóng hổi hiện nay có thể sẽ được đưa vào đề thi như: Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam, biển đảo, game, tuổi trẻ và tình yêu đất nước, facebook… “Đối với phần nghị luận xã hội, thí sinh phải nêu được thực trạng của vấn đề đó hiện nay đang diễn ra như thế nào trong xã hội sau đó nêu nguyên nhân, hậu quả rồi mới đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề. Học sinh cần lưu ý liên hệ bản thân”, cô Nga nói. Cũng theo cô Nga, bài thi môn Văn thí sinh nhớ viết gọn gàng, sạch đẹp dễ đạt điểm cao.

Làm từ dễ đến khó

Cô Vũ Thị Hồng, giáo viên dạy Toán Trường THPT Marie Curie Hà Nội cho hay, kiến thức đề thi môn Toán của Hà Nội nhiều năm nay đều nằm trong sách giáo khoa nhưng vẫn được bố trí từ dễ đến khó để phân loại thí sinh. Vì vậy, sau khi đọc kỹ đề, thí sinh nên làm những câu dễ trước, khó sau. Làm chắc chắn từng câu, trước khi làm vào tờ giấy thi cần phải vạch qua giấy nháp tránh việc viết vào bài thi rồi gạch xóa. 

Cô Hồng cho rằng, trước kỳ thi, thí sinh nên xem kỹ lại 5 dạng câu dễ đạt điểm tối đa gồm: rút gọn, giải phương trình và hệ phương trình Vi-ét, giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc lập hệ phương trình, hàm số và đồ thị. Theo cô Hồng, với các bài đại số, sau khi tính toán nhất thiết thí sinh phải tính lại một lần nữa để đảm bảo đáp án được chính xác. “Đối với học sinh trung bình khá, nên làm bài tuần tự từ dễ đến khó nhưng khi làm được câu nào nên chắc chắn câu đó”, cô Hồng nói.

Trong khi đó, thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình) Hà Nội cho rằng, đề thi là kiến thức lớp 9 và một phần lớp dưới, không quá khó nên điều quan trọng là thí sinh nên bình tĩnh để làm bài. Theo thầy Hoan, nhiều thí sinh vào phòng thi run, toát mồ hồi nên dễ bị tính toán sai. “Những năm trước, có những câu rất dễ đảm bảo học sinh có năng lực trung bình cũng có thể đạt điểm tối đa nhưng nhiều em vẫn mất 2 điểm vì tính ẩu vế 1, dẫn đến không làm được cả câu hỏi phụ”, thầy Hoan nói.

Thầy Hoan khuyên học sinh đọc kỹ một lượt đề, sau đó trong khả năng của từng em làm được câu nào thì nên làm trước. Đề thường có các dạng câu như: rút gọn, một bài hàm số bậc 2, lập phương trình, một bài hình học với khoảng 4 câu hỏi phụ. Theo thầy Hoan, ở thời điểm này học sinh nên lướt qua một lượt các dạng bài tập, các định lý, ứng dụng. Khi làm bài thi, trình bày nắn nót, cẩn thận, tránh hiểu sai đề, làm sót ý trong câu hỏi.

Riêng Ngoại ngữ, theo một số giáo viên, không có phương pháp nào khác ngoài vốn kiến thức vững để đọc hiểu. Chỉ khi đọc hiểu được đề thi, thí sinh mới nhận biết được yêu cầu của đề. Kể cả câu trắc nghiệm, nếu không hiểu được yêu cầu thì thí sinh chỉ biết “tích bừa” và có thể đúng, có thể sai.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm nay bắt đầu từ ngày 8/6 đến hết ngày 10/6. Dự kiến, ngày 21/6, các trường THPT thông báo điểm xét tuyển nguyện vọng 1 tại trường.

Nguyễn Hà/ TP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)