Nâng cao đời sống nhân dân, giảm bớt can thiệp hành chính, tạo điều kiện tiếp cận thị trường… là những khuyến nghị được các nhà đầu tư nước ngoài chỉ rõ đối với Việt Nam nếu không muốn bị tụt hậu trong cuộc đua cải thiện năng lực cạnh tranh với các nước láng giềng.
Đại sứ-Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư chất lượng cao từ EU vào Việt Nam, giúp tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để hấp thụ được hiệu quả từ làn sóng này, Việt Nam cần phải có những chính sách phát triển riêng cho khối doanh nghiệp tư nhân. Đây là nhiệm vụ rất lớn với các nhà hoạch định chính sách. “Các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển mạnh thông qua tham gia chuỗi thương mại, xuất khẩu và cả khai thác nhiều hơn các thị trường ở châu Âu. Để thay đổi, xuất khẩu của Việt Nam phải do các công ty của Việt Nam tạo ra”, ông Angelet nhận định.
Sách Trắng 2016 cũng cho rằng, những đầu việc lớn mà Việt Nam phải thực hiện trong thời gian tới chính là nâng cao đời sống nhân dân, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề về thuế, gia tăng lựa chọn cho người tiêu dùng, giảm các can thiệp hành chính cũng như các vấn đề tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, Việt Nam cần đảm bảo việc tạo dựng sân chơi bình đẳng trong hoạt động đấu thầu công thông qua sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp nước ngoài, thay vì chỉ dựa vào các đối tác trong nước – tương tự như sân chơi bình đẳng mà các quốc gia ASEAN khác đã tạo ra..
Liên quan đến lĩnh vực thuế, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cho rằng, cần phải đưa ra các cam kết với mục tiêu loại bỏ tất cả các loại thuế quan đối với ô tô. Trong trường hợp không thực hiện được ngay, cơ quan quản lý cần giảm dần ngay lập tức các loại thuế quan với lộ trình thực hiện rõ ràng.
Cần giảm bớt can thiệp hành chính
Một trong những khuyến nghị đáng chú ý được nhấn mạnh trong “Sách Trắng” năm 2016 chính là việc Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng của EuroCham cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam giảm bớt, tiến tới chấm dứt các can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường. Theo đó, việc Chính phủ đưa ra các quy định can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là một lời cảnh báo đáng lo ngại về một môi trường đầu tư chưa thực sự ổn định, thân thiện và hội nhập của Việt Nam, đồng thời đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ.
Tiểu ban dẫn chứng xu hướng tăng giá nhẹ của các sản phẩm sữa thuộc phân khúc bình dân kể từ khi biện pháp bình ổn giá được áp dụng cho thấy chính sách này đã không mang lại tác động giảm giá sản phẩm sữa để hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp như tính toán trước đó của cơ quan quản lý.
Về những khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Chính phủ và cả doanh nghiệp châu Âu cần hỗ trợ để khối doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng được cơ hội do VEFTA mang lại.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ khó có cơ hội tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp châu Âu, mà sẽ phải qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa châu Âu. Vì vậy, tôi hy vọng tới đây dòng chảy vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam sẽ đến nhiều hơn từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Lộc nói.
Bình luận về câu chuyện giá sữa như đơn cử trong “Sách Trắng 2016”, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thẩm định Giá Việt Nam (VVA) Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, áp dụng quản lý giá trần trong giá sữa chỉ được coi như là một biện pháp “cấp bách” khi thị trường có biến động bất thường để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Khi thị trường hoạt động bình thường thì phải gỡ bỏ biện pháp để cho thị trường tự điều tiết theo quy luật. “Tôi nghĩ đã đến lúc cần gỡ bỏ biện pháp áp trần giá sữa để tránh những hệ lụy không tích cực cho đầu tư, cho sản xuất kinh doanh”, ông Thỏa nói.
Theo TPO
Bình luận (0)