Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Hàng ngàn cựu sinh viên đòi xóa nợ vay vì trường lừa đảo

Tạp Chí Giáo Dục

Trường hứa hẹn sẽ có việc làm tốt sau tốt nghiệp nhưng không thấy đâu.

Tin từ báo Wall Street Journal (Mỹ) ngày 20-1, ngân sách Mỹ đang có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD vì hàng ngàn lá đơn xin xóa nợ vay của hàng ngàn sinh viên Mỹ đã tốt nghiệp.

Trong sáu tháng qua đã có hơn 7.500 cựu sinh viên gửi đơn lên Bộ Giáo dục Mỹ xin được xóa các khoản vay họ đã vay trong thời sinh viên, tổng số tiền chừng 164 triệu USD. Lý do họ đưa ra là vì các trường đã hứa hẹn không đúng sự thật về tương lai việc làm lương cao sau khi ra trường để chiêu dụ họ vào trường.

Theo luật Liên bang Mỹ, khoản vay sinh viên sẽ được xóa nếu người vay chứng minh trường họ theo học đã dùng mánh khóe bất hợp pháp để tuyển họ vào, chẳng hạn nói không đúng sự thật, nói quá về thu nhập của họ sẽ có sau khi tốt nghiệp.

Mỹ thực hiện chương trình xóa nợ vay sinh viên từ năm 1994 nhưng đến hai thập niên sau (năm 2015) thì các tổ chức hoạt động vì quyền sinh viên mới để ý đến chương trình này. Hai thập niên qua Bộ Giáo dục Mỹ chỉ phải giải quyết năm đơn xin xóa khoản vay, ba trong năm đơn được chấp nhận. Trong khi đó chỉ trong năm 2015, Bộ Giáo dục Mỹ từng đồng ý xóa gần 28 triệu USD tiền vay của 1.300 cựu sinh viên các trường Corinthian – thuộc Tập đoàn giáo dục Corinthian Colleges ở Bắc Mỹ, vì tập đoàn này phá sản vào năm 2015.

Hầu hết các cựu sinh viên xin xóa khoản vay đã từng theo học các trường do các tập đoàn kinh doanh giáo dục lập nên. 3/4 trong số đó theo học trường của Tập đoàn Corinthian Colleges, số còn lại học ở Trường nghệ thuật Art Institutes thuộc Tập đoàn quản lý giáo dục Education Management Corp. và Trường kỹ thuật ITT Technical Institudes thuộc Tập đoàn dịch vụ giáo dục ITT (Mỹ). Ba tập đoàn này đang bị chính phủ Mỹ điều tra vì áp dụng các phương cách tuyển sinh viên bất hợp pháp. Theo đại diện Luke Herrine của tổ chức vì quyền lợi sinh viên Debt Collective, con số cựu sinh viên từng theo học các trường này phải đến hàng triệu.

Trong đơn xin xóa khoản vay, hầu hết các cựu sinh viên cho biết họ cảm thấy cuộc sống bế tắc khi phải vay một khoản lớn chi trả cho việc học những mong sẽ kiếm được việc làm mà rốt cục chỉ thấy một đống nợ và việc chẳng thấy đâu.

Anh Syd Andrade ở bang Florida vay chính phủ 30.000 USD theo học Trường Art Institutes sau khi được trường này gọi điện đến quảng cáo cơ sở vật chất, giáo viên rất tốt, sử dụng phần mềm mới đúng chuẩn để dạy thiết kế nghệ thuật. Thực tế khi theo học anh thấy trường này toàn sử dụng phần mềm lạc hậu, giáo viên thì kiến thức còn kém hơn sinh viên.

Anh Syd Andrade đang làm hỗ trợ kỹ thuật cho một công ty truyền thông và rất hy vọng chính phủ xóa nợ vay. Ảnh: WALL STREET JOURNAL 

Trường Art Institutes cũng hứa sẽ giúp anh Syd Andrade tìm công việc tốt nhưng sau khi tốt nghiệp năm 2011, trường này chỉ giới thiệu anh làm thu ngân cho một công ty địa phương. Bạn gái anh học cùng trường cũng bị đối xử như thế. Cuối cùng hai người chuyển đến bang Texas làm công việc phụ trách kỹ thuật cho một công ty truyền thông – hoàn toàn không dính dáng đến chuyên môn đã học với mức lương 44.000 USD/năm. Trường Art Institutes từ chối bình luận về những điều anh Syd Andrade nói.

Bộ Giáo dục Mỹ phàn nàn chương trình xóa nợ vay này quá mơ hồ khi không quy định chi tiết chứng cớ nào để buộc tội các trường lừa đảo sinh viên. Thứ trưởng Giáo dục Mỹ Ted Mitchell ước tính nếu chương trình này tiếp tục thực hiện thì tổng tiền nợ vay sinh viên phải xóa có thể phải lên đến hàng tỉ USD.

Viện Kinh doanh Mỹ cũng lo ngại chương trình này sẽ bị lạm dụng khi không chỉ sinh viên lỡ học trường kém uy tín không kiếm được việc làm, mà những sinh viên không có được việc làm không phải vì lỗi của trường đào tạo cũng sẽ viện cớ này để được xóa khoản vay.

Wal Street Journal cho rằng chương trình xóa khoản vay sinh viên của chính phủ Mỹ là phao cứu sinh của hàng trăm ngàn sinh viên Mỹ đang chìm trong nợ nần vì lỡ vào học ở các trường kém uy tín để rồi không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy hiện tổng các khoản vay sinh viên ở Mỹ trị giá 1.200 tỉ USD. Bảy triệu cựu sinh viên không còn khả năng thanh toán nợ vay.

ĐĂNG KHOA (PLO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)