Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Gửi ước mơ qua tranh vẽ

Tạp Chí Giáo Dục

Các bé ở Trường Mầm non Bình Thuận đang tô màu các bức tranh

Hội thi Ươm mầm tài năng họa sĩ nhí với chủ đề “Thành phố em yêu” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.7 và Hệ thống đào tạo mỹ thuật POPART tổ chức thu hút hàng ngàn học sinh mầm non, tiểu học trên địa bàn Q.7 tham gia.

Tại Trường Tiểu học Lê Anh Xuân, 160 học sinh tham gia hội thi đầy háo hức, phấn khởi. Em Đặng Phan Tiến Đạt (học lớp 4/5) đã vẽ khung cảnh chợ Bến Thành, có đường phố, xe cộ qua lại các ngả đường, cuộc sống sinh hoạt, buôn bán của người dân, tiểu thương lẫn du khách nước ngoài. Tiến Đạt chia sẻ, chợ Bến Thành là một biểu tượng văn hóa, di tích lịch sử của thành phố bao đời nay. Đây còn là nơi chứa đựng những nét đẹp cuộc sống hàng ngày của người dân thành phố nói riêng, người Việt Nam nói chung. Mặc dù thầy cô đã giảng dạy trong các giờ học nhưng em vẫn muốn nói lại để bản thân em và các bạn mãi luôn tự hào về nét đẹp của quê hương. Em hy vọng tranh của mình sẽ được triển lãm để các bạn học sinh, du khách nước ngoài có thể biết thêm một biểu tượng văn hóa của thành phố mang tên Bác. Trong khi đó, em Trần Thị Ngọc Diễm (học lớp 3/2) lại tái hiện khung cảnh có các tòa nhà cao tầng, có công viên, khu vui chơi, trường học. Đan xen là hình ảnh các em nhỏ được ba mẹ dẫn đi chơi. Ngọc Diễm cho rằng bức tranh nói đến một thành phố văn minh, hiện đại, giàu tình yêu thương con người…

Cô Trần Thị Hồng Nga, giáo viên dạy mỹ thuật, Trường Tiểu học Lê Anh Xuân, đánh giá cao về mục đích, ý nghĩa của hội thi. Cô Hồng Nga cho biết: “Đây là sân chơi mang tính giáo dục cao, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Song song với các tiết học trên lớp, các em cần có sân chơi rèn luyện kỹ năng, thể hiện năng khiếu, trí tưởng tượng, tính sáng tạo. Qua đó các em nói lên những suy nghĩ, ước mơ của mình thông qua những bức tranh tự vẽ. Tôi hy vọng những sân chơi như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn trong môi trường học đường để mang đến nhiều cơ hội học tập, rèn luyện cho học sinh”.

Cô Hồng Nga (Trường Tiểu học Lê Anh Xuân) đang giám sát học sinh vẽ tại vòng 1 hội thi

Tương tự, tại Trường Mầm non Bình Thuận, hơn 200 em lớp mầm, chồi, lá cũng háo hức không kém. Nhiệm vụ chính của các em chỉ là tô màu, nhưng màu sắc nhiều bức tranh được các em phối một cách hài hòa, sinh động, đẹp mắt… như chính sắc màu cuộc sống quanh các em. Cô Ngô Thị Kim Tuyến, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tôi hết sức bất ngờ vì buổi sáng chuẩn bị bước vào hội thi, nhiều phụ huynh đã chở con đến trường rất sớm vì sợ trễ giờ. Bản thân các em vô cùng thích thú bởi có cơ hội vui chơi, thể hiện năng khiếu hội họa”.

Theo cô Kim Tuyến, vẽ là bộ môn chiếm 1/5 chương trình thuộc về giáo dục thẩm mỹ. Những hình ảnh trực quan tác động rất lớn đến sự tiếp thu kiến thức cũng như tác động rất lớn đến ý thức các em. Đơn cử, khi tô tranh về cây cối, muông thú, quang cảnh sẽ tạo cơ hội để các em cảm nhận vẻ đẹp, qua đó hiểu rằng cần phải giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Sau khi kết thúc vòng sơ loại, 500 thí sinh có tác phẩm hay sẽ vào vòng 2; sau đó Ban tổ chức chọn ra 20 tác phẩm hay nhất vào chung kết, phát thưởng. Tại vòng chung kết, mỗi thí sinh có 2 phút thuyết trình về tác phẩm mà mình thể hiện. 

 

Bình luận (0)