Y tế - Văn hóaThư giãn

Ngày xưa…

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày đó, khi bước vào lớp một, nó bắt đầu làm quen với bút. Cây bút của nó có cán bằng gỗ, thon và nhỏ dần về cuối đuôi.

Đầu bút có rãnh để cắm ngòi vào, và nó cứ “xí xọn” thay đầu bút liên tục. Không như các loại bút máy sau này được sản xuất để có thể bơm mực dự trữ, bút nó dùng khi đó phải chấm mực, viết hết một đoạn lại mở bình mực ra và chấm đầu bút vào. Ngay cả cách chấm mực cũng không đơn giản là cứ nhúng đại bút vào, mà phải chấm thế nào cho ngòi vừa đủ mực, không lem ra cán. Lúc đó nó còn nhỏ nên cũng hay quên, chấm thật mạnh vào bình mực bằng nhựa, hậu quả là bình mực bị thủng lỗ, và phải thay bình khác.

Sau này mẹ nó mua bình mực làm bằng thủy tinh, thì bình mực không bị thủng nữa, nhưng ngòi bút vẫn mau hư cũng vì cái tật chấm mực mạnh quá, thỉnh thoảng tập vở dính mực, rồi cả cái chân nó cũng dính mực vì làm bình mực rớt xuống đất bể tan tành.

Bạn bè nó cũng vậy,  người ngợm thường lấm lem vết mực, bàn ghế và nền gạch bông của lớp cũng lốm đốm các vết mực mà cả chục năm sau quay lại trường xưa, nó thấy vẫn còn, hay là lũ học trò sau này bắt chước lớp đàn anh đàn chị nhỉ?

Trước cổng trường bày bán đủ thứ đồ dùng học tập, nhưng tụi nó hay mua nhất là bình mực, mấy viên mực khô (thả mấy viên mực khô vào bình, pha tí nước là có một bình mực để xài), có đứa pha nước khéo thì vừa đủ độ đậm để viết, còn lỡ pha nhiều nước thì mực loãng, phải thêm mấy hạt mực vào, vì vậy nó và đám bạn thường mượn hạt mực của nhau, nó thường “xù” nếu như đám bạn không đòi vì không nhớ món nợ của nó.

Ngày ấy cô giáo bắt gò chữ thật kỹ, bàn tay đứa nào cũng có một cục chai ngay ngón trỏ, dưới móng tay một tí, hậu quả của việc ép mạnh bút vào tay để viết, mãi sau này lớn lên, đi làm, nhìn lại vết chai be bé trên tay, thấy nhớ da diết ngày xưa.

Thùy Trang (Phú Nhuận)

 

Bình luận (0)