Y tế - Văn hóaThư giãn

Đời… cát

Tạp Chí Giáo Dục

Khi chúng tôi đến, lớp tranh cát Phi Long (Tôn Đức Thắng, TP Phan Thiết) đã vào giờ học hơn một giờ. Lớp học thật ấn tượng vì giáo án chỉ toàn cát và cát, còn những chiếc ly thủy tinh, lồng kính cùng hàng chục chiếc muỗng cà phê, que tre nhỏ nhắn được ví như vở, viết học trò. 

Ngày ngày, thầy giáo trẻ câm điếc Phi Long tận tâm truyền nghề cho các học trò đồng cảnh ngộ và tranh thủ thời gian sáng tác – Ảnh: Lê Trường

Mái nhà chung…

Hoàng Trọng Ân (19 tuổi) – một trong số 40 thành viên của lớp – bút đàm với chúng tôi rằng quê Ân ở Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam. Cha bệnh liệt giường gần hai năm qua, anh trai lại bị tâm thần nên mọi phí tổn hằng ngày của cả nhà chỉ trông cậy vào mẹ. Để bớt gánh nặng gia đình, hơn một năm trước Ân khăn gói đến cơ sở Phi Long xin… “thọ giáo”. “Thầy Long không nhận đồng học phí nào của tụi em đâu, thỉnh thoảng còn cho tiền quà vặt nữa. Bây giờ làm tranh cát được rồi, em cũng có thu nhập bảy, tám trăm ngàn đồng mỗi tháng phụ mẹ” – Ân nói.

Bạn chí cốt của Ân là Nguyễn Trương Lâm Nguyên, nhà ở vùng gió cát Phan Rang (Ninh Thuận). Trước khi đến với lớp tranh cát, Nguyên thường theo đám bạn lêu lổng quậy phá. Sau gần nửa năm gắn bó với những người bạn đồng môn cùng cảnh ngộ, Nguyên giờ ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ. Nguyên khoe vừa có tác phẩm đầu tay cảnh đồng quê. Nguyên “ra dấu” bằng tay rằng rất thích “thầy” Phi Long, vì không chỉ được “thầy” tận tâm truyền nghề, ở đây còn có mẹ Hà đùm bọc, yêu thương…

Hơn 40 thanh thiếu niên câm điếc đang theo học tranh cát tại cơ sở Phi Long mỗi em một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chung khát vọng vượt qua sự nghiệt ngã của số phận để thật sự sống có ích cho đời. Hàng ngàn bức tranh cát từ những đôi tay của các em đã và đang có mặt nhiều nơi trên thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh VN với bè bạn năm châu. 

Một tác phẩm tranh cát của cơ sở Phi Long – Ảnh: Lê Trường

Tấm lòng người thầy trẻ

Cơ sở tranh cát Phi Long gắn với tên chủ nhân của nó, cũng đồng thời là người thầy giáo trẻ 20 tuổi Đỗ Đặng Phi Long.

Chị Thu Hà – mẹ Long – kể năm 1989, khi vừa tròn một tuổi Phi Long bị viêm phổi nặng kéo dài với di chứng để lại là không nói và nghe được. Năm Long 8 tuổi, gia đình gửi em vào nội trú ở Trường khuyết tật Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé (cũ). Thời gian này, Long đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa nên khi vừa hoàn tất chương trình tiểu học, gia đình quyết định cho em học vẽ tranh sơn dầu. Và cơ duyên đã đến với Long…

Tháng 10-2005, trong dịp lễ hội Bình Thuận – Hội tụ xanh, Phi Long đã thật sự bị cuốn hút bởi các tác phẩm nghệ thuật tranh cát độc đáo của họa sĩ Ý Lan, nên đã cùng mẹ tìm vào tận nhà nữ nghệ sĩ này ở TP.HCM xin học nghề. Được hai tháng, Phi Long phải bỏ dở vì chuyện gia đình. Niềm đam mê tranh cát vẫn đau đáu trong Long nên em đã cùng mẹ thi thoảng ra tận Mũi Né tìm cát màu về để dành làm tranh. Khi ấy có một Việt kiều Mỹ đề nghị Long vẽ chân dung của mình. Và Long đã vẽ được. Thế rồi từ một, hai bức tranh đầu tiên, Long tiếp tục phát huy tài năng sáng tác hàng chục bức tranh cát với nhiều chủ đề khác nhau.

Đầu năm 2007, Long thuê căn gác ở ngã ba phố Thủ Khoa Huân – Tôn Đức Thắng mở cơ sở làm tranh cát và truyền nghề miễn phí cho những người bạn đồng cảnh ngộ. Một số “đệ tử” ở xa, không về nhà được, thầy Long tạo điều kiện về chỗ ăn ở. Những học viên giỏi, làm ra sản phẩm được trả lương để có thêm tiền chi phí hằng ngày và phụ giúp gia đình. Học viên ra nghề có nhu cầu ở lại cơ sở được trả lương 1-2 triệu đồng/tháng.

Bằng ngôn ngữ cử chỉ, Long “bảo” nghề làm tranh cát thật khó nhưng nếu có năng khiếu và lòng kiên trì thì chắc chắn thành công. “Nhìn thấy học trò tiến bộ từng ngày mừng lắm…” – Long tâm tình.

Tranh cát mang thương hiệu Phi Long giờ đây bán chạy. Chị Thu Hà bảo rằng nhiều khi các em phải thức khuya để kịp đáp ứng đơn đặt hàng của khách. Do vậy chị không dám nhận nhiều để đảm bảo sức khỏe cho các em.

LÊ TRƯỜNG – KHẢI NGUYÊN (Theo TTO)

Bình luận (0)