Cho đến thời điểm này thì hầu hết các sinh viên Đại học ở Mỹ đều có tham gia một đến hai khóa học về… quái vật. Các sinh viên của cô giáo Marina Levina thì đã học nhiều buổi rồi.
Khóa học có tên “Chủ đề điện ảnh: các bộ phim quái vật” ở ĐH California, Berkeley, là một trong số nhiều khóa học trên khắp nước Mỹ đang pha trộn giữa học thuật và… sự sợ hãi, sử dụng người chết sống lại, ma cà rồng và các loại ma quỷ khác để nghiên cứu nền văn minh hiện tại.
Và, không, những khóa học đó không hề dễ sợ, cô Levina nói.
“Đối với một người không ở trong ngành, thì tôi cho rằng họ sẽ thốt lên, “Cái gì? Cô xem phim kinh dị cả ngày à?”, cô Levina nói. “Nhưng thực ra đó là một khóa học khó. Sinh viên không tự nhiên mà học giỏi được, vì nó bao gồm rất nhiều lý thuyết nghiêm túc”.
Lớp học này, một lớp tự chọn dành cho những sinh viên chuyên ngành truyền thông/thông tin đại chúng, có chỉ tiêu là 50 sinh viên, và được lấp đầy quân số một cách nhanh chóng. Sinh viên được xem những bộ phim về quái vật và viết bài luận rằng những sinh vật kỳ dị đó tượng trưng cho điều gì. Họ cũng phải tự làm những bộ phim quái vật vào cuối khóa học.
Phản ánh đúng thời đại?
Ví dụ, vào những năm 1980, “người chết sống lại” là hiện thân của chủ nghĩa tiêu thụ không cần suy nghĩ. Sau vụ tấn công 11/9 ở Mỹ, thì những “người không chết đang thịnh nộ” lại tượng trưng cho “cơn ác mộng, khi mà chúng ta mất kiểm soát”, cô Levina nói.
Không phải là những nhân vật được yêu thích gì cho cam, bởi người chết sống lại thường muốn phá hủy cuộc sống của con người và có những thói quen ăn uống rất kinh hãi – “khẩu vị” của họ là ăn… các bộ não, trong bộ phim “Return of the Living Dead” (1984).
Ma cà rồng thì ngược lại, họ “sexy và hot, họ là những nhân vật mà chính chúng ta muốn bản thân mình trở thành, nhưng lại không thể”, cô Levina nói.
Các sinh viên học những khóa này thấy rằng các ý tưởng trong đó rất tạo cảm hứng, sáng tạo.
“Đó là môn học ưa thích của tôi, dù nó nặng về lý thuyết”, theo Azeta Hatef, một trong các sinh viên của cô Levina.
Còn sinh viên Maureen Grzan thì rất thích thú với phân đoạn về những nữ người sói; vì hóa ra họ không phải là những người đô vật lông lá như người sói nam.
Đối với cô Levina thì không chỉ có quái vật, vì cô còn dạy cả khóa mở đầu về nghiên cứu truyền thông và truyền thông hình ảnh. Trong lớp, cô coi “người chết sống lại” là tượng trưng cho virus, vì chuyên ngành của cô là nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Sợ hãi cùng cực
Ở ĐH Columbia Chicago, thầy Brendan Riley dạy một lớp học chuyên về hệ tư tưởng “người chết sống lại”, bắt đầu bằng những bộ phim của những năm 1930.
Lớp học của thầy rất đông, kéo dài vài giờ mỗi ngày và phải có vài lượt sinh viên thay nhau học. Những sinh viên hào hứng ghi danh, nhận e-mail của thầy về cách viết bài và rồi lui ra ngoài, để có chỗ cho một lớp sinh viên mới vào.
Người chết sống lại rất đáng sợ vì “họ vừa là người, vừa không phải là người”, thầy Riley nói. “Có thể gọi đó là “thần bí”. Mà chúng ta thì luôn sợ những gì mình không kiểm soát được”.
Ở ĐH công Middle Tennessee, giảng viên người Anh David Lavery thì tập trung vào nhân vật ma cà rồng của cuối những năm 1990 – series phim truyền hình “Buffy the Vampire Slayer”, miêu tả những cuộc phiêu lưu của một cô gái được lựa chọn để chống lại các thế lực đen tối.
Ma cà rồng có thể được sử dụng để xem xét nhiều nguyên tắc đa dạng, từ Triết học tới Văn học, tới văn hóa pop, theo thầy Lavery. Thầy đã dùng series phim truyền hình này cho những khóa sinh viên tốt nghiệp của mình, và cũng dạy các sinh viên chưa tốt nghiệp một khóa tiếng Anh tùy chọn gọi là “Buffy”.
“Những phim này được sinh viên tiếp nhận tốt hơn là kiểu “Vua Lear”, và vì vậy, sinh viên tham gia vào bài học tích cực hơn”, thầy nói. “Tôi cũng muốn các em đọc “Vua Lear”, và tôi cũng muốn các em tiếp nhận tốt tác phẩm đó, nhưng trước hết thì phải “câu” được sự chú ý của các em ấy đã”.
Một số sinh viên khi ghi danh đã nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng đạt điểm A, nhưng rồi phát hiện ra rằng hóa ra mình “thực sự phải đọc và viết”.“Điều đó”, thầy Lavery nói và cười vang – “mới là nỗi sợ hãi cùng cực”.
Theo Sinh Viên Việt Nam
Bình luận (0)