Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaThư giãn

Vở Đời như ý chưa thật như ý

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà hát Thế giới trẻ của Công ty Sài Gòn Phẳng ra mắt vở kịch Đời như ý của tác giả – đạo diễn Bùi Quốc Bảo vào tối 8-7
Vở kịch được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tuy diễn xuất của các diễn viên trẻ nhận được lời khen của khán giả nhưng kịch bản khai thác nhiều yếu tố vụn vặt, gây cười làm nhạt nội dung chính.
Đời như ý xoay quanh số phận anh thanh niên tên Hai Đời (Quang Tuấn), tuy mù lòa nhưng tâm hồn trong sáng. Hai Đời từng cưu mang cô bé bị tâm thần – bé Ba (Ngọc Trinh). Cô này bị tên Khương (Hữu Tiến) hãm hiếp, mang thai.
Hai Đời vì muốn bảo vệ bé Ba nên nhìn nhận mình là cha của đứa bé, hy sinh mối tình với Sương (Diễm Phương). Chiếc ghe – tài sản duy nhất của Hai Đời – đã không chở theo người anh yêu mà cùng bé Ba chèo chống đi tìm đất sống. Hai Đời dùng ngón đờn và giọng ca cải lương mùi mẫn để bán vé số. Cả hai được anh Tám bán thịt heo (Khương Ngọc), bà Sáu ăn xin (Hồng Trang), Sơn bán cá (Lê Anh) tận tình giúp đỡ. Bé Ba sinh đôi, được Hai Đời đặt tên để khi ghép với tên anh thành điều ước nguyện: Đời Như Ý.
Cảnh trong vở Đời như ý
Đến một ngày, Khương tìm đến chiếc ghe của Hai Đời đòi bắt con nhưng chỉ muốn bắt con trai vì sợ con gái bị khùng giống mẹ. Lúc này, Hai Đời đau xé lòng khi biết vợ của Khương chính là Sương…
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư dẫn dắt người xem đi vào thế giới cô quạnh của những thân phận vì nghèo hèn mà không thể có được hạnh phúc. Tiếc thay, khi chuyển thể kịch, tác giả – đạo diễn Bùi Quốc Bảo lại làm lệch đi cốt lõi chính của câu chuyện. Những tình huống cần được khai thác lại bỏ sót một cách đáng tiếc, yếu tố hài hước được khai thác theo kiểu dây dưa kéo dài.
Điều này làm cho mối nối giữa các tình huống kịch không liền mạch. Cụ thể, khi Ý (bé trai song sinh) bị Khương bắt đi, vì nhớ cha mẹ đã tìm cách trốn về nhưng hàng xóm gặp Ý cứ bình thản như không hề biết việc em từng bị bắt cóc. Hoặc bé Ba không nhận biết Sương trong khi trước đó đã biết rõ Sương là người yêu của Hai Đời.

Tác giả và đạo diễn cũng lạm dụng việc để diễn viên kịch ca vọng cổ trong khi thực tế Quang Tuấn không có giọng ca. Nếu gia giảm liều lượng tiếng cười theo kiểu náo kịch và dùng bài bản cải lương, vọng cổ, đờn cổ ở những đoạn thật đắt sẽ làm người xem dễ chịu hơn.

Theo NLĐ

Bình luận (0)