Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Những thông tin thí sinh cần biết

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn 3 tuần nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã trả lời Báo Thanh Niên những vấn đề thí sinh còn đang thắc mắc xung quanh kỳ thi này.

* Thí sinh (TS) thiếu tuổi và quá tuổi có được thi tốt nghiệp THPT không, thưa ông?
– Được, vì Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2009 không quy định tuổi.
* TS chưa kịp làm hoặc mất giấy chứng minh nhân dân, trường hợp gia đình TS không có sổ hộ khẩu riêng thì xử lý như thế nào?
– Những trường hợp chưa được cấp hoặc mất giấy chứng minh nhân dân phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền; nếu gia đình TS không có sổ hộ khẩu riêng, có thể sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong sổ hộ khẩu.
* TS đã dự kỳ thi các năm trước nhưng chưa được tốt nghiệp, hiện nay bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2009. Trường hợp này phải xử lý như thế nào?
Ông Trần Văn Nghĩa
– TS tự do bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2009 phải có xác nhận lại bản sao học bạ trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ thi của kỳ thi năm dự thi liền kề trước kỳ thi năm 2009.
* Cơ quan nào xác nhận TS đang học lớp 12 giáo dục THPT “Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự”?
– Đối với TS đang học tại các nhà trường, hiệu trưởng nhà trường xác nhận trong danh sách chung.
* Nếu ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh không khớp với giấy CMND và các loại giấy chứng nhận, bằng tốt nghiệp THCS… thì giải quyết như thế nào?
– Phải lấy giấy khai sinh làm căn cứ.
* Hiện tượng giám thị thiếu chữ ký trên giấy thi của TS vẫn xảy ra ở những kỳ thi năm trước, vậy năm nay những bài thi thiếu chữ ký như vậy có bị coi là phạm quy và bị loại ra trong quá trình chấm thi không, thưa ông?
– Trong quá trình tập huấn coi thi, các sở lưu ý giám thị không được quên ký tên vào giấy thi của TS để hạn chế sai sót. Khi bàn giao bài thi tại hội đồng coi thi, cần phải kiểm tra các bài thi đã có đủ chữ ký của hai giám thị chưa. Khi chấm thi, để đảm bảo quyền lợi của TS, những bài thi này vẫn được chấm bình thường, tuy nhiên hội đồng chấm thi phải lập biên bản các bài không đủ chữ ký để báo cáo Bộ, đồng thời chuyển cho Sở tổ chức coi thi xử lý và kiểm điểm giám thị theo quy chế thi.
* Hướng dẫn về làm bài thi trắc nghiệm có yêu cầu: Khi nhận đề thi, TS phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm; không được xem đề thi khi giám thị chưa cho phép. Tuy nhiên, nếu TS mở ra xem thì có xử lý không? Có lập biên bản không?
– TS mở đề ra xem, giám thị phải kịp thời nhắc nhở và yêu cầu TS thực hiện đúng theo quy định. Nếu TS vẫn cố tình xem đề thì lập biên bản để hội đồng coi thi xử lý. Tuy nhiên, sau khi đã phát đề thi cho cả phòng, giám thị cần yêu cầu TS soát số trang và chất lượng in của đề, để kịp đổi nếu cần thiết (khi xảy ra các trường hợp đề thiếu trang, các trang không cùng mã đề, hoặc đề in bị mờ…)
* Đề thi thiếu trang, in mờ… giám thị tìm trong số đề dự trữ mã đề thi tương ứng để đổi cho TS, trong trường hợp không còn thì phải giải quyết thế nào để tránh ảnh hưởng đến thời gian và tâm lý làm bài của TS?
– Khi thi theo hình thức trắc nghiệm, tại hội đồng coi thi luôn có túi đề thi trắc nghiệm dự phòng gồm nhiều mã đề khác nhau. Trường hợp đề thi mờ hoặc thiếu trang… thì lấy đề thi có cùng mã đề trong túi dự phòng; nếu không có đề thi cùng mã thì lấy đề thi có mã khác với mã đề thi của 2 TS ngồi bên cạnh.
*  TS dự thi đủ các môn quy định nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật hủy kết quả thi trong cả kỳ thi lần 1, lần 2, thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên cho các kỳ thi tổ chức trong năm tiếp ngay sau đó nếu có quy định thi các môn đó. Còn Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009 có ghi “nếu TS đã dự thi tất cả các môn quy định của năm tổ chức thi tại kỳ thi lần 1 hoặc kỳ thi lần 2 thì được coi là dự thi đủ các môn quy định. Như vậy, “TS dự thi đủ các môn quy định” thì được hiểu như thế nào?
– Các TS có điểm bảo lưu theo quy định được dự thi một trong hai cách: thi tất cả các môn thi quy định trong kỳ thi hoặc chỉ thi các môn thi không có điểm bảo lưu. Như vậy TS dự thi một trong hai cách trên trong các kỳ thi tốt nghiệp năm 2008, không bỏ thi môn nào được hiểu là “thi đủ các môn theo quy định” của năm tổ chức thi; nếu không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các môn đạt từ 5,0 điểm trở lên cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 (trừ những môn đã sử dụng kết quả bảo lưu của năm trước tại các kỳ thi tốt nghiệp năm 2008).
* TS tự do có giấy chứng nhận nghề phổ thông có được cộng điểm khuyến khích để công nhận tốt nghiệp không?
– Theo quy định, TS tự do (cả giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên) có giấy chứng nhận nghề phổ thông được cấp trong thời gian học cấp THPT đều được cộng điểm khuyến khích để công nhận tốt nghiệp theo quy định của quy chế.  
Môn Sử năm ngoái được thay bằng môn Vật lý?
Ông Trần Lợi (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT năm ngoái, cháu tôi thi rớt hai môn Văn và Toán. Các môn còn lại đã đủ điểm đậu và được bảo lưu cho kỳ thi năm nay. Nhưng năm nay không thi môn Sử mà lại thi môn Lý. Khi hỏi tại trường cháu học năm ngoái, nhà trường trả lời rằng lần này thi phải thi thêm môn Lý”.
Không riêng gì trường hợp của cháu ông Trần Lợi, nhiều phụ huynh cũng có thắc mắc tương tự. Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT năm 2008 thi 6 môn là Văn, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học và Toán. Trong khi kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT năm nay lại thi 6 môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh và Địa. Như vậy môn Lịch sử năm ngoái được thay bằng môn Vật lý?
Ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Theo quy định, chỉ có khối giáo dục thường xuyên mới được bảo lưu điểm thi tốt nghiệp THPT của năm trước”. Đối chiếu quy chế thi tốt nghiệp, rõ ràng để có thể đạt tốt nghiệp, thí sinh tự do của khối giáo dục thường xuyên tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phải thi những môn thi mà năm trước không có trong quy định. Ông Nghĩa còn lưu ý: Điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là thí sinh tự do của giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên.
Tuệ Nguyễn – Phi Loan
Tuệ Nguyễn (TNO)

 

Bình luận (0)