Truyền hình thực tế đang ở vị thế hoàn toàn áp đảo, lấn lướt phim truyền hình, thậm chí đang dìm phim truyền hình vào thế khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ và thu hút quảng cáo.
Hàng loạt chương trình truyền hình thực tế thời gian gần đây đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả, liên tục “làm nóng” diễn đàn với hàng ngàn bình luận sau mỗi kỳ phát sóng. Chiếm sóng vào những “giờ đẹp” của VTV nên số lượng quảng cáo của các chương trình thực tế cũng tăng vọt so với quảng cáo cho phim Việt.
Thắng thế áp đảo
Ngay từ số phát sóng đầu tiên vào ngày 8-7, chương trình Giọng hát Việt đã bất ngờ lập “kỳ tích” khi ngay sau đó đã được sự đón nhận, quan tâm của khán giả cả nước thông qua các diễn đàn, mạng xã hội.
Cùng thời điểm, chương trình Cuộc đua kỳ thú với hành trình xuyên Việt đầy gay cấn, thú vị cũng trở thành đề tài xôn xao trên các diễn đàn mạng suốt thời gian chương trình này phát sóng lúc 20 giờ thứ sáu hằng tuần trên kênh VTV3. Trước đó là những chương trình Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam Got Talent, Tôi là người dẫn đầu,… là những chương trình thu hút đông đảo khán giả truyền hình.
Truyền hình thực tế đang ở vị thế hoàn toàn áp đảo, lấn lướt phim truyền hình, thậm chí đang dìm phim truyền hình vào thế khó khăn trong việc tìm nguồn tài trợ và thu hút quảng cáo. Hiếm có bộ phim nào lên sóng tạo được “sức nóng” lan tỏa trên các diễn đàn, mạng xã hội nhiều như các chương trình truyền hình thực tế.
Phim truyền hình Việt đang “bị lép vế” trước làn sóng truyền hình thực tế – Trong ảnh: Cảnh trong phim Bước qua bóng tối đang phát sóng trên kênh HTV 7 – Ảnh: do đoàn làm phim cung cấp |
Diễn đàn điện ảnh lâu nay thưa vắng những lời bình luận, tên tuổi diễn viên được nhắc nhở nhiều từ các gameshow, chương trình truyền hình thực tế nhiều hơn các vai diễn của họ trên phim. Công chúng gần như cũng bị cuốn theo truyền hình thực tế, tạo nên hiệu ứng chung khá tích cực cho loại hình giải trí này.
Một người hoạt động trong lĩnh vực truyền hình, truyền thông thừa nhận rằng phim Việt phát sóng cùng thời điểm với các chương trình truyền hình thực tế đã không thể nào cạnh tranh nổi về số lượng quảng cáo. “Nói thật, chúng tôi đầu tư khá công phu, tâm huyết, bộ phim cũng nhận được nhiều lời khen của những người trong nghề nhưng kết quả phát sóng đã không được như mong muốn. Tôi cho rằng nếu lên sóng ở thời điểm khác có thể sẽ hiệu quả hơn” – người này mong ước.
“Rating (chỉ số đo lượng người xem) trước đây cho phim “giờ vàng” trên kênh VTV9 lên đến 5.0 – 6.0, bây giờ giảm xuống ở mức 3.0 cũng đã là yên tâm rồi” – bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Hãng phim Sóng Vàng, nói.
“Chương trình truyền hình mua bản quyền nước ngoài lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam được nhà sản xuất quảng bá rầm rộ, thông tin cập nhật liên tục có khi chưa phát sóng đã tạo được sức hút rồi. Phim truyền hình mà làm như thế thì chỉ có chết” – bà Vũ Thị Bích Liên nhận định.
Không ít ý kiến lo ngại rằng cuộc “xâm nhập” của các chương trình thực tế vào lãnh địa truyền hình sẽ dần lấn át phim truyền hình và phim truyền hình sẽ bị khán giả “bỏ quên”.
Chỉ là trào lưu?
“Từ phiên bản gốc đến đầu ra cho phiên bản Việt có khi là một trời một vực, không phải chương trình nào cũng được khán giả đón nhận. Rõ ràng có một số chương trình thực tế Việt hóa phát sóng nhưng không mấy được khán giả quan tâm. Có thể trong thời gian này, phim Việt phải ít nhiều chịu ảnh hưởng, không cạnh tranh nổi với truyền hình thực tế nhưng cũng chỉ là vấn đề tạm thời thôi” – đại diện một kênh truyền hình phân tích.
“Trên thế giới, game show và phim truyền hình vẫn tồn tại song song, khán giả có thêm nhiều sự lựa chọn nhưng không có nghĩa cái này sẽ giết chết cái kia. Mỗi thể loại có cao trào của riêng nó, phim truyền hình Việt đã qua giai đoạn khởi đầu “giờ vàng”, cũng từng “nóng” không kém các chương trình truyền hình thực tế hiện nay.
Phim truyền hình Việt giờ đã ổn định, còn trào lưu mua bản quyền, Việt hóa chương trình truyền hình ăn khách của nước ngoài cũng chỉ mới 1-2 năm trở lại đây. Rồi mọi thứ cũng sẽ đi vào quỹ đạo của nó” – bà Vũ Thị Bích Liên dự đoán.
Một số ý kiến “nhìn xa trông rộng” cho rằng đây chỉ có thể là một “cuộc chuyển dịch ngắn” khi khán giả lần đầu tiên được thưởng thức những “món ăn tinh thần” mới lạ, còn về lâu về dài thì phim Việt vẫn có vị thế riêng. “Phần lớn chương trình thực tế đều rơi vào cuối tuần nên có ảnh hưởng cũng không nhiều.
Có thể phim Việt không bao giờ tạo được độ nóng như vậy nhưng phim truyền hình vẫn luôn là món “cơm” quen thuộc, gần gũi và vẫn có được lượng khán giả riêng” – bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc Hãng phim Vietcom, lạc quan.
“Nhìn vào độ nóng của một số chương trình truyền hình thực tế hiện nay có thể thấy thị hiếu khán giả đã thay đổi, họ có nhiều lựa chọn hơn. Phim làm không tốt, bị khán giả quay lưng là điều đương nhiên” – bà Trúc Mai nhìn nhận thực tế hơn.
Nếu không có được những bộ phim tạo điểm nhấn cho các vệt giờ thì phim Việt không chỉ khó cạnh tranh với các chương trình truyền hình thực tế mà còn tiếp tục “thua ngay trên sân nhà” trước những bộ phim truyền hình ăn khách của nước ngoài được phát sóng cùng thời điểm.
|
Phim hay chiếu giờ… không đẹp
Một trong những đơn vị “đầu tàu” phía Nam sản xuất được những bộ phim có chất lượng là Hãng phim TFS. Tuy nhiên, khung giờ phát sóng phim dành cho đơn vị này lại rơi vào thời điểm rất khó xem: 17 giờ 30 phút trên kênh HTV9.
Thời gian qua, TFS đã cho ra mắt nhiều bộ phim được đánh giá cao: Đồng quê, Đất mặn, Trường nội trú…; sắp tới sẽ cho lên sóng những bộ phim lịch sử được đầu tư lớn, công phu: Chiến hạm nổ tung (đạo diễn – NSƯT Khương Đức Thuận, Nguyễn Chí Thành, lên sóng từ ngày 20-8), Huyền thoại 1C (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân)… Hiện đơn vị cũng tập trung đầu tư nhiều kịch bản phim lịch sử, chính luận cũng như đặt hàng các đơn vị tư nhân thực hiện “chuẩn bị kín kẽ” cho việc nối sóng dòng phim chính luận tại khung giờ này.
Nhưng nghịch lý là những bộ phim có giá trị lại không có cơ hội lên sóng trong “giờ vàng”, trong khi các phim chọn chiếu ở vệt “giờ vàng” lại chưa “đủ tầm tạo dư luận”. Cho nên, mong muốn phim Việt “nóng” như truyền hình thực tế ở thời điểm này có lẽ là điều không tưởng.
Theo TNO
Bình luận (0)