Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ả Rập: Mâu thuẫn giữa đào tạo và sử dụng lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều sinh viên trong khối Ả Rập sau khi tốt nghiệp không được bố trí việc làm (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Nhiều nước Ả Rập đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực giáo dục đại học (ĐH), nhưng không cải cách kinh tế. Kết quả là tạo ra một đội ngũ thất nghiệp trẻ có trình độ – đây là mầm mống của những vấn đề gây bức xúc xã hội. Saleh Barek Al-Jabri – một sinh viên Yemen – đã chia sẻ nỗi bất bình của những người biểu tình ở Tuynidi và Ai Cập như vậy.
Đáp lại lời kêu gọi của Nhà nước Yemen, khuyến cáo thanh niên đi vào ngành mũi nhọn khai thác, sản xuất dầu lửa, Jabri – con của một người lái xe buýt, đã đăng ký vào học ĐH Khoa học và Công nghệ Hadramaout. Nhiều thanh niên khác cũng như Jabri hăng hái đăng ký học công nghệ dầu lửa. Còn Bộ trưởng Dầu lửa hứa sẽ bố trí việc làm thích đáng sau khi tốt nghiệp. Jabri cố gắng học tốt, đứng thứ 5 khi tốt nghiệp nhưng vẫn “ngồi chơi xơi nước” nhiều năm. Công việc đều rơi vào tay con cái những người có chức, có quyền. Jabri đang sống ở thủ đô Sana, ở chung phòng với hai bạn thất nghiệp. Anh nói: “Tôi có nhiều dự kiến trong tương lai nhưng tất cả đều tàn lụi…”. Làn sóng biểu tình rầm rộ ở Trung Đông bắt nguồn từ những nguyên nhân chính trị và xã hội sâu xa, nhưng cũng phải kể đến tình trạng Nhà nước mở ra rất nhiều trường ĐH hiện đại nhưng sinh viên phải “ôm bằng tốt nghiệp” thất nghiệp và bế tắc trong cuộc sống. “Có một nghịch lý là trình độ giáo dục càng được nâng cao thì số người thất nghiệp càng nhiều”, hai nhà kinh tế thuộc Quỹ tiền tệ quốc tế là Yasser Abdih và Anjali Garg cho biết.
Ở Ai Cập, số sinh viên tốt nghiệp ĐH càng ngày càng đông. Năm 1990, theo Ngân hàng Thế giới, 14% người Ai Cập ở tuổi học ĐH đều được đăng ký vào ĐH. Năm 2008, số đó là 28,5%. Các trường ĐH của Ai Cập mở rộng quy mô, và nhiều nước châu Âu cũng mở trường ở Ai Cập. Kế hoạch 5 năm đưa ra năm 2007, dự kiến tăng gấp đôi ngân sách dành cho ĐH và Chính phủ yêu cầu nước ngoài giúp tái cấu trúc hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, một báo cáo về giáo dục ĐH ở Ai Cập do Quỹ tiền tệ quốc tế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE) thực hiện trong năm 2010, cho thấy một sự khủng hoảng thừa thanh niên có bằng ĐH, đặc biệt trong lĩnh vực KHXH và NV. Trong khi đó các nhà máy lại than phiền thiếu người có tay nghề đáp ứng yêu cầu sản xuất. Thanh niên đã học xong trung cấp chiếm 42% dân số của đất nước, nhưng 80% lại thất nghiệp.
Để nâng cao trình độ giáo dục cho số đông, các nước Ả Rập đã đầu tư rất nhiều cho giáo dục ĐH. “Mục đích là để đẩy nhanh phát triển kinh tế, cải thiện tình hình việc làm và tạo ra công bằng xã hội”, theo lời ông Mourad Ezzine, phụ trách lĩnh vực GD-ĐT của vùng Trung Đông và Bắc Phi của Ngân hàng Thế giới. Ông nói thêm: “Mục đích đó đã không đạt, vì hai lý do: hệ thống giáo dục đã tạo ra lượng mà không tạo ra chất, sau nữa, trên bình diện kinh tế không tạo ra việc làm tương ứng với những bằng được cấp. Tại sao? Vì những cải cách ở những nước này không đi nhanh, đi xa”. Mấy chục năm liền, nạn di cư như là một giải pháp an toàn: những người thất nghiệp trong vùng – đa số là những người đã tốt nghiệp các trường ở Gioocđani, Ai Cập, Yemen và Palestine nhảy qua châu Âu, Hoa Kỳ hay những nước sản xuất dầu lửa ở Trung Đông để tìm việc làm. Nhưng bắt đầu từ năm 1990, một số nước giàu có ở Trung Đông đã xem họ như những kẻ xúi giục làm loạn, và tìm cách thay thế họ bằng những người di cư gốc châu Á.
Hiện Ai Cập vẫn lấy nền kinh tế Nhà nước làm chủ đạo. Ngoài nông nghiệp ra, 70% tay nghề làm trong những cơ sở của Nhà nước. Rất hiếm sinh viên tham gia vào nền kinh tế thị trường, vì nó chưa phát triển, bị o ép đủ thứ. Số sinh viên tốt nghiệp tăng lên, vượt quá xa khả năng sử dụng của Nhà nước, do đó họ phải kiên trì đợi, nếu không biết đường chạy chọt để có một chỗ làm nuôi sống bản thân, chưa nói đến gia đình.
Hiện làn gió cải cách đang thổi qua vùng Trung Đông, Bắc Phi. Nhiều chính phủ đang đề ra những kế hoạch cải cách kinh tế, tiền đề của cải cách giáo dục. Sinh viên tốt nghiệp phải được sử dụng xứng đáng với công đào tạo và sự phấn đấu của họ. Một bài học cho mọi quốc gia đang phát triển: Đào tạo và sử dụng không cân xứng gây bức xúc xã hội.
(Theo Courrier international số 3-2011)
Phan Thanh Quang

Bình luận (0)