Y tế - Văn hóaThư giãn

Phí tải nhạc

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tư liên tịch giữa Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin – Truyền thông có hiệu lực từ ngày 6/8/2012 có một điều khoản quan trọng là “Thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ, truyền đi trên mạng internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan”.

Vì vậy, ngày 15/8/2012, tại TPHCM đã diễn ra tọa đàm “Nhạc số Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” kêu gọi các website âm nhạc thực hiện giải pháp bảo đảm bản quyền. Với một thỏa thuận được ký kết, nhiều website âm nhạc sẽ thu phí tải bài hát kể từ ngày 1/11/2012.
Theo dự kiến, mức giá cho một lần tải là 1.000 đồng, và người dùng có thể thanh toán bằng cách mua thẻ cào, nhắn tin hoặc trừ tiền trực tiếp vào tài khoản điện thoại di động. Số tiền thu được sẽ được chia cho các website “bán” nhạc 45%, còn 55% còn lại chia cho đơn vị sở hữu bản ghi, ca sĩ, nhạc sĩ…
Ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Ghi âm Việt Nam, cho rằng: “Thực tế trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên internet và di động. Sản lượng băng đĩa của Hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong năm năm gần đây. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới, vì sẽ nắm chắc phần thua lỗ”.
 Đó chỉ là một mặt của vấn đề, sở dĩ thị trường âm nhạc thời gian qua trì trệ và thất bát phần lớn do chúng ta không có hành động hữu hiệu ngăn chặn tình trạng băng đĩa lậu. Nếu các ngành chức năng liên quan vẫn tỏ ra bất lực với băng đĩa lậu, thì việc thu phí tải bài hát không khác gì một sự đánh đố đối với các website âm nhạc!
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, đừng nghĩ cứ thu phí nghe nhạc từ internet sẽ góp phần trợ lực cho đời sống âm nhạc phát triển. Hãy nhìn các nước đã xây dựng được nền công nghiệp âm nhạc thì không khó nhận ra vấn đề bản quyền phải được thực hiện một cách căn cơ và bài bản.
Thứ nhất, triệt để đấu tranh chống tệ nạn băng đĩa lậu. Thứ hai, thiết lập văn hóa tiêu dùng trong cộng đồng, mỗi người đều ý thức được nghe một bản nhạc gốc chất lượng bao giờ cũng tốt hơn nhiều lần so với một bản chép. Hai yếu tố trên được tiến hành song song sẽ bảo đảm được lợi ích của người hưởng thụ lẫn người sáng tạo. Khi đó, băng đĩa phát hành vẫn đóng vai trò chủ lực trong ngành âm nhạc, còn những sản phẩm tung lên mạng chỉ giống như một kênh thăm dò thị hiếu hoặc như một quà tặng dành cho giới mộ điệu!
Hiện tại có hàng trăm website âm nhạc đang hoạt động sôi nổi. Nếu chỉ có 6 website thu phí thì 6 “chú lính chì dũng cảm” này không sớm thì muộn sẽ lâm vào cảnh chợ chiều, vì khách hàng sẽ quay sang chọn lựa những website không thu phí!
Mặt khác, có một góc độ mà chúng ta chưa tính tới: khách hàng nghe nhạc trực tuyến nghĩa là đang trả tiền cho những đơn vị cung cấp dịch vụ internet, thì tại sao những nhà mạng không chia bớt lợi nhuận cho Hiệp hội Ghi âm Việt Nam? Có phải hơi phi lý, khi người yêu nhạc vừa trả tiền dịch vụ internet vừa trả tiền bản quyền, còn nhà mạng thì hồn nhiên như người ngoài cuộc?
 
Theo NNVN

 

Bình luận (0)