Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Đan Mạch: Chủ trương tư nhân hóa nhà trẻ chưa được xã hội đồng tình

Tạp Chí Giáo Dục

Chủ trương tư nhân hóa nhà trẻ ở Đan Mạch gây tranh luận gay gắt (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).  Ảnh: I.T

Tình trạng thiếu nhà trẻ, trường mẫu giáo đang là một vấn đế rất bức xúc ở Đan Mạch, đất nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Do đó, Nhà nước có chủ trương tư nhân hóa nhà trẻ, nhưng chủ trương này đang còn gây tranh luận gay gắt. 
Ở các nước, việc tư nhân hóa nhà trẻ là một việc bình thường, thậm chí còn được khuyến khích, nhưng ở một đất nước mà Nhà nước chu toàn cho cuộc sống của con người từ khi “còn nằm trong lòng mẹ đến khi nằm… trong lòng đất”, thì việc tư nhân hóa nhà trẻ là một sự kiện lớn, gây nhiều bức xúc cho dân. Ở Martofte, thành phố Flonie, cha mẹ học sinh kêu ca phàn nàn về việc tư nhân hóa nhà trẻ công Bogebjerg. Bà Hiệu trưởng nhà trường, Anne Kathrine Skifter, nói: “Nhà trường phải chịu đựng không ngừng việc cắt ngân sách. Do đó, chúng tôi không thể nào tiếp tục như vậy nếu muốn giữ được chất lượng của công tác sư phạm. Bằng cách tư nhân hóa, chúng tôi hy vọng sẽ có thể giữ được chất lượng nuôi dạy các em”.
Hai năm nay bốn nhà trẻ đã được chấp thuận cho chuyển thành nhà trẻ tư, và bốn nhà trẻ khác đang nộp đơn xin tư nhân hóa. Bà Nana Nyhuus Henriksen, người chịu trách nhiệm về hoạt động của Hội đồng các nhà trẻ quốc gia, nói: “Ngày nay sự cắt xén ngân sách đã bắt đầu tác động rất mạnh đến các nhà trẻ”. Trước hết, việc tư nhân hóa hình như có lợi cho tất cả mọi người. Đó là kinh nghiệm của nhà trẻ Gueeeparkens Bomehus ở Helsingor, là trường đã tư nhân hóa từ 2008. Mỗi tháng phụ huynh phải trả thêm 100 Couronnnes (tức 13,50 Euro). Vì thế, nhà trẻ này đã lập được nhiều thành tích hơn. Bà Hiệu trưởng Nanne Nielsen, nói: “Trước kia trường luôn có những khoản chi tiêu ngoài dự tính làm chúng tôi rất lúng túng, ví dụ phải trả thêm tiền internet với lý do là trung tâm phát sóng cần phải sửa chữa. Còn bây giờ thì chúng tôi có thể quản lý ngân sách một cách chủ động được rồi”.
Trong khi đó nhờ đi sâu tìm hiểu ý kiến của gia đình học sinh, giáo sư tâm lý học xã hội Per Schultz Jorgensen cho rằng xã hội không thể chấp nhận chủ trương tư nhân hóa nhà trẻ. Ông nói: “Nếu tất cả những ai có tiềm lực dồi dào đều bảo vệ lẫn nhau và đi theo con đường của riêng mình thì chúng ta sẽ có một hệ thống với hai tốc độ là điều trái với tinh thần cộng đồng và nguy hiểm cho quốc gia. Chúng ta sẽ có lượng người ít hơn chống lại những bất công xã hội khi cần thiết”. Riêng ông Mette Frederik-sen, người chịu trách nhiệm về công tác xã hội của Đảng Xã hội Dân chủ thì nói: “Thật là đáng phàn nàn, do chính sách của Chính phủ mà xã hội chúng ta không thể cung cấp cho trẻ em những quyền mà chúng được hưởng theo hiến pháp và pháp luật”. Ông Mette Frederiksen nói tiếp: “Quyền đó là quyền được chăm sóc về sức khỏe và phát triển toàn diện về nhân cách và trí tuệ. Tư nhân hóa các nhà trẻ không phải là một giải pháp đáng khuyến khích”.
 Trước những ý kiến khác nhau về “nên hay không nên lập và khuyến khích nhà trẻ tư nhân”, Bộ trưởng Bộ Xã hội Benedikte Klaer (Đảng Bảo thủ) không trả lời trực tiếp mà chỉ nói rằng: “nhà trẻ ở Đan Mạch là loại tốt nhất thế giới”.
Ông Benedikte Klaer cho biết: “Đan Mạch có khoảng 150 nhà trẻ tư nhân trong tổng số khoảng 4.500 nhà trẻ trong toàn quốc. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2005, nhà trẻ tư nhân được phép thành lập khi phải có đủ các điều kiện do Chính phủ và Bộ Giáo dục quy định”. Ông này không quên nhắc đi nhắc lại: “Cha mẹ học sinh có quyền chọn nhà trẻ công lập hay tư nhân, nghĩa là Nhà nước không phủ nhận việc công dân có quyền gửi con em vào học ở nhà trẻ công lập. Còn việc nhà trẻ tư nhân có những điều kiện chăm sóc sức khỏe và trí tuệ tốt hơn là chuyện khác”.
Ý kiến của ông Bộ trưởng có vẻ đơn giản, thông thoáng, không có gì trái với hiến pháp nhưng cuộc thảo luận về “nên hay không nên tư nhân hóa nhà trẻ” vẫn còn tiếp tục trên những khía cạnh và cách hiểu rất tế nhị của “bình đẳng xã hội” hay “ phân biệt đối xử”…
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang

Bình luận (0)